Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn 12 trường hợp bị Cơ quan điều tra khởi tố oan

PVCT Thứ bảy, ngày 23/10/2021 16:00 PM (GMT+7)
Chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao năm 2021, trước Quốc hội.
Bình luận 0

Về công tác điều tra xử lý tội phạm, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá: Năm 2021, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2020, một số chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội như: Tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 87,05% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,6%).

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn 12 trường hợp bị Cơ quan điều tra khởi tố oan - Ảnh 1.

Đoàn Chủ tịch tại phiên họp Quốc hội chiều 23/10. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội mới đạt mới đạt 88,81%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 90%). Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Vẫn còn 12 trường hợp bị Cơ quan điều tra khởi tố oan.

Về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, bên cạnh những kết quả tích cực, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện KSND; 85 vụ án TAND trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới (Viện KSND đã khởi tố 23 vụ theo yêu cầu). Trong giai đoạn xét xử, vẫn còn 32 trường hợp Viện KSND phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; 38 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, dẫn đến Viện KSND cấp trên phải rút 45 kháng nghị của Viện KSND cấp dưới.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vẫn còn 12 trường hợp bị Cơ quan điều tra khởi tố oan - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đối với báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp đánh giá: Về xét xử các vụ án hình sự: Tỷ lệ xét xử đạt 89,62%; số lượng, chất lượng xét xử đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Đặc biệt, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà TAND áp dụng cơ bản nghiêm minh. Việc cho các bị cáo hưởng án treo; cải tạo không giam giữ; áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Các TAND đã đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các vụ án kinh tế-tham nhũng và các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh, chú trọng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt về ngân sách Nhà nước. Các vụ án hình sự khác, nhất là các vụ án ma túy, xâm hại tình dục trẻ em nhìn chung được đưa ra xét xử khẩn trương và áp dụng hình phạt nghiêm minh với đối tượng phạm tội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem