Dân Việt

Nghệ An: Nuôi loại gà đặc sản đen từ ngoài vào trong, nông dân xã biên giới giàu lên trông thấy

Cảnh Thắng 25/10/2021 06:32 GMT+7
Nhận thấy giá trị kinh tế của gà đen mang lại, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn đề xuất xây dựng nhiều mô hình nuôi giống gà đặc sản này trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đến nay những mô hình nuôi gà đen đã giúp người dân giảm nghèo làm giàu bền vững.

Mô hình nuôi gà đen hiệu quả nhờ định hướng của Hội Nông dân

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được ví như "Sa Pa" xứ Nghệ. Nơi đây mây mù quanh năm che phủ sớm chiều. 

Những nếp nhà ở Mường Lống nép mình bên sườn núi, những con đường nhỏ quanh co in đậm dấu chân người dân miền sơn cước. 

Nhiều năm trước đây, vùng đất này từng được xem là "thiên đường cây anh túc" (tức cây thuốc phiện) đã hủy hoại biết bao thế hệ người dân trong vùng.

Nghệ An: Nuôi loại gà đặc sản đen từ lông đến nội tạng, nông dân xã biên giới giàu lên trông thấy   - Ảnh 1.

Ông Lương Quốc Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác thăm mô hình nuôi gà đen hiệu quả tại huyện Kỳ Sơn cuối năm 2019. Nay ông Lương Quốc Đoàn đã là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Cảnh Thắng

Hiện nay, mảnh đất này đã được hồi sinh tươi mới hơn bởi các mô hình kinh tế gia trại, trang trại giúp người dân giảm nghèo làm giàu bền vững.

Năm 2019, từ chuyến công tác của ông Lương Quốc Đoàn - hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội đã quyết định chỉ đạo hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình nuôi gà đen tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.

Nghệ An: Nuôi loại gà đặc sản đen từ lông đến nội tạng, nông dân xã biên giới giàu lên trông thấy   - Ảnh 2.

Những chú gà đen giá trị kinh tế cao tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Cảnh Thắng

Từ 12 hộ được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An làm "bệ đỡ"cùng với 3 hộ trước đây Hội đã đầu tư nuôi gà đen, bà con đã liên kết lại với nhau thành lập chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen trên bản Mường Lống 1. 

Đây chính là một trong những hướng đi phù hợp trong xu thế hiện nay là cần phải tạo ra chuỗi liên kết giá trị hàng hóa. Mỗi thành viên trong chi hội đều tự nguyện trên tinh thần "5 cùng" để nâng cao gia trị sản phẩm gà đen.

Nghệ An: Nuôi loại gà đặc sản đen từ lông đến nội tạng, nông dân xã biên giới giàu lên trông thấy   - Ảnh 3.

Kỹ thuật ấp trứng mà Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chuyển giao công nghệ cho anh Vừ Tồng Pó (SN 1970) ở bản Mường Lống 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Cảnh Thắng

Gà đen hay gà Mông là theo cách gọi của người miền xuôi. Còn người Mông gọi gà đen là cay đu, người Thái gọi là cày đắm. 

Đặc điểm của gà đen (chưa lai tạp) là thân hình gà to lớn, mào của con trống luôn dựng lên rực rỡ, màu lông đen có lẫn những đốm hoa trắng, đen tuyền hoặc xám,…Và khi làm thịt ra thì thịt gà có màu đen, xương đen, lòng đen.

Nuôi gà đặc sản giúp hội viên nông dân giảm nghèo

Dẫn chúng tôi đến nhà của anh Vừ Tồng Pó (1970) ở bản Mường Lống 1, ông Hờ Bá Khù - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Lống nói: "Trước đây, Mường Lống được biết đến là thủ phủ của loài cây anh túc. Nhưng nhờ vào chính sách, chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước mà trực tiếp là cầm tay chỉ việc của cán bộ Hội Nông dân mà nay vùng đất này đã hồi sinh thực sự...".

Nhiều gia đình ở Mường Lống có của ăn của để, không còn hộ chạy ăn từng bữa, bản làng đổi mới.

Nghệ An: Nuôi loại gà đặc sản đen từ lông đến nội tạng, nông dân xã biên giới giàu lên trông thấy   - Ảnh 4.

Đàn gà đen sau khi nở được chăm sóc rất kỹ để tái đàn. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với Dân Việt, anh Vừ Tồng Pó, trú tại bản Mường Lống 1 cho hay: "Giống gà đen là giống gà bản địa, cần được bảo tồn. Do vậy mà cách đâu không lâu, tôi đã có ý tưởng nuôi bảo tồn gà đen. Tôi đã sưu tầm gà mái, gà trống bản địa để nuôi tập trung...".

Qua nhiều năm kỳ công sưu tầm, hiện anh Pó cũng đã có được hơn 20 cặp giống gà đen bản địa và bắt đầu nuôi cho ấp trứng để phát triển đàn. 

Việc nuôi nhốt đàn gà trong một diện tích nhỏ bé khiến gà không phát triển được. Thấy vậy anh Pó đã phải tìm mua thêm đất để mở rộng trang trại, rồi làm bờ rào, khoanh nuôi bảo vệ loài gà đen.

Được biết, hiện nay anh Vừ Tồng Pó nuôi 1.200 con gà đen thương phẩm. Bình quân một lứa gà đen nuôi kéo dài 5 tháng. Khi xuất bán cho thương lái, mỗi con có trọng lượng từ 1,2 đến 1.5kg bán với giá 200.000 đồng/kg. 

Ngoài nuôi gà thịt, anh Pó là "ông chủ" cung cấp gà đen giống cho các hộ có nhu cầu mua về nuôi và tái tạo đàn.

Nghệ An: Nuôi loại gà đặc sản đen từ lông đến nội tạng, nông dân xã biên giới giàu lên trông thấy   - Ảnh 5.

Anh Vừ Tồng Pó (1970) ở bản Mường Lống 1, huyện Kỳ Sơn bên trang trại nuôi gà của gia đình mình. Ảnh: Cảnh Thắng

Mỗi năm anh Pó xuất khoảng 8.000 đến 9.000 con gà đen giống cho các gia đình trong và ngoài xã Mường Lồng.

Từ khi nở cho đến khi bán chỉ mất 7 ngày nên kinh doanh gà đen giống không tốn kém về thức ăn.

Giá mỗi con gà đen giống anh Pó bán ra là 25.000 đồng. Cứ mỗi năm nuôi gà sau khi trừ chi phí, anh Pó đã lãi ròng hơn 200 triệu đồng. 

Không chỉ riêng ông Pó, các thành viên trong Hợp tác xã cũng có thu nhập khá cao hàng năm từ mô hình nuôi gà đen. Hộ có thu nhập thấp nhất từ nuôi gà đen cũng đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng. 

Nhờ được sự hỗ trợ từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế nhằm hỗ trợ cho hội viên, nông dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình nuôi gà đặc sản ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) nhằm tạo ra chuỗi nuôi gà đen liên kết cấp vùng.

Những ngày đầu, nhờ sự giúp đỡ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ 4.000 con giống gà đen bản địa cho 12 hộ gia đình tại xã Mường Lống. Cùng với đó, Hội hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho các hộ gia đình tham.

Căn cứ trên các nhóm hộ nuôi gà đen bản địa, Hội còn định hướng phát triển kinh tế tập thể; định hướng và bồi dưỡng tư duy kinh tế thị trường về phát triển gà đen trở thành mặt hàng thế mạnh của nông dân huyện Kỳ Sơn.