Dân Việt

Bí mật quân sự: Ukraine bán "quốc bảo" cho Mỹ, vì sao?

Tuấn Anh (Theo Sputnik) 26/10/2021 19:00 GMT+7
Theo Sputnik, mới đây Ukraine đã bán cho Mỹ xe tăng tối tân nhất của mình là T-84 Oplot, lấy 7 triệu USD, trong khi loại xe tăng này vẫn chưa bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong nước.
Bí mật quân sự: Ukraine bán "quốc bảo" cho Mỹ, vì sao? - Ảnh 1.

T-84 Oplot-M là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất trong biên chế Lực lượng vũ trang Ukraine.

Trên thực tế, T-84 là phiên bản hiện đại hóa từ một trong những chiến xa tốt nhất của Liên Xô - chiếc T-80U. Do vậy Oplot khó có thể được gọi là một sự phát triển hoàn toàn của Ukraine, bởi vì nó chứa đựng những kết quả thành công nhất từ các mô hình trước đó.

Theo Sputnik, xe tăng Oplot của Ukraine với trọng lượng khoảng 51 tấn là phiên bản cải tiến của xe tăng Liên Xô T-80UD (phiên bản động cơ diesel của xe tăng T-80). Phiên bản mới nhất T-84BM có hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại và các hệ thống đối phó quang điện tử, thiết bị nhìn đêm bằng tia hồng ngoại, thiết bị nhìn ngày/đêm, và giáp phản ứng nổ Duplet được thiết kế để bảo vệ tốt hơn trước các loại đạn xuyên giáp và chống đầu nổ ghép nối tiếp.

Xe tăng có máy tính tích hợp mới và hệ thống thông tin liên lạc. Xe tăng được trang bị động cơ diesel hai kỳ 6DT-2E công suất 1.200 mã lực. Vũ khí chính là pháo nòng trơn KBA-3 125 mm do Ukraina sản xuất. Theo các chuyên gia, xét về tổng lực tác chiến, T-84BM gần tương đương với xe tăng T-90A của Nga.

Trong khi đó, tạp chí danh tiếng của Mỹ National Interest cũng từng đánh giá, xe tăng chiến đấu chủ lực T-84 Oplot do Ukraine chế tạo sở hữu nhiều ưu điểm hơn cả chiếc T-90S của Nga.

Kể từ năm 2008, quân đội Ukraine chỉ nhận được ba chiếc xe tăng Oplot. Kiev đã cung cấp 49 chiếc xe tăng cho Thái Lan, dù hợp đồng đã bị trì hoãn. Nhưng người mua đặc biệt phẫn nộ với chất lượng kém: lớp sơn phủ bên ngoài xe tăng rất nhanh bong tróc, nhiều vết rỉ sét lộ rõ. Hóa ra là họ đã sử dụng các linh kiện và cụm lắp ráp đã ở trong kho hàng chục năm hoặc thậm chí tháo ở một số cỗ tăng khác ở ngoài trời.

Vì vậy, những chiếc Oplot mới thực chất vẫn trang bị động cơ TD-1000T, loại động cơ của T-80 từ giữa những năm 1970. Dù những động cơ này được coi là bước đột phá khi ra đời  vào năm 1968 nhưng đã qua hàng chục năm, chúng đã lỗi thời. 

Tình trạng kỹ thuật của một số ít xe tăng T-84BM được cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine cũng khá đáng trách. Ví dụ, vào tháng 8 năm 2021, một trong 3 chiếc xe tăng Oplot tham gia duyệt binh ở Kiev bị hỏng giữa đường khi dầu máy bổng dưng tràn ra ngoài. Ngoài ra, mầu sơn ngụy trang kiểu pixel đã bị bong tróc.

Bí mật quân sự: Ukraine bán "quốc bảo" cho Mỹ, vì sao? - Ảnh 2.

Xe tăng 84BM là phiên bản cải tiến của các dự án đầy hứa hẹn. Ảnh NI

Điều này làm nảy ra một câu hỏi: Tại sao Lầu Năm Góc lại cần một cỗ xe tăng có quá nhiều vấn đề như vậy?

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Kho vũ khí của tổ quốc, nói với Sputnik, rằng, sự quan tâm của người Mỹ đối với loại khí tài này là dễ hiểu.

"Xe tăng 84BM là phiên bản cải tiến của các dự án đầy hứa hẹn được phát triển tại Nhà máy Malyshev ở thành phố Kharkov - từng là một trong những doanh nghiệp chế tạo xe tăng hàng đầu của Liên Xô.

Người Mỹ tò mò về những phát triển mới mà các chuyên gia Ukraine đã sử dụng trên nền tảng cũ. Rất ít khả năng Mỹ sao chép toàn bộ xe nhưng họ có thể khám phá bí mật trên Oplot để ứng dụng vào phát triển xe tăng của riêng mình. Hơn nữa, họ đã mua Oplot với giá tương đối rẻ. Ví dụ, nếu hiện nay bắt đầu chế tạo xe tăng Abrams từ con số 0 thì dự án này sẽ tiêu tốn ít nhất 10 triệu USD".

Chuyên gia Viktor Murakhovsky nhấn mạnh, trước hết, Mỹ quan tâm đến áo giáp liên hợp nhiều lớp của Oplot, hệ thống bảo vệ động lực và các thiết bị ngắm bắn. Xe tăng sẽ được tháo rời từng bộ phận, các thành phần và cụm lắp ráp sẽ được kiểm tra cẩn thận, sau đó mọi thứ sẽ được lắp ráp và gửi đến bãi thử.

Ở đó, họ sẽ bắn vào chiếc xe tăng để tìm ra điểm yếu. Xét cho cùng, xe tăng Ukraina có nhiều đặc điểm giống với các loại xe tăng khác thuộc "trường phái Liên Xô" vẫn đang được Nga và các nước khác sử dụng.

 Chiếc xe tăng này sẽ hữu ích trong quá trình phát triển chiến thuật đối phó với các phương tiện bọc thép hiện đại của Nga. Và khẩu pháo 125 mm rất hữu ích để kiểm tra khả năng chống sát thương của xe bọc thép. Ngoài ra, Oplot cũng có thể tham gia vào một số cuộc tập trận, nơi nó sẽ đóng vai một chiếc tăng đối thủ để Mỹ đối phó.

Bán bí mật quốc phòng

Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine bán thiết bị quân sự cho Mỹ. Ví dụ, từ năm 1993 đến năm 2014, Ukraine đã gửi hàng chục xe chiến đấu bộ binh BMP-2 và BMP-3 cho Mỹ. Vào những năm 2000, Lầu Năm Góc đã mua một số xe tăng T-84U và T-80BV của Ukraine.

 Người Mỹ chủ yếu quan tâm đến lớp vỏ giáp. Theo một số báo cáo, những chiếc xe tăng này đã được sử dụng làm mục tiêu tại các bãi tập. Các chuyên gia Lầu Năm Góc cũng đã bắn vào xe tăng T-72A1 và T-72B1 với áo giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5 nhận được từ Đức. Họ không thể vô hiệu hóa các phương tiện chiến đấu đó, nhưng, dựa theo kết quả thử nghiệm, các chuyên gia Mỹ đã phát triển các loại đạn xuyên giáp mạnh hơn cho xe tăng Abrams.

 Do đó, việc nghiên cứu kỹ lưỡng công nghệ của "kẻ thù tiềm tàng" đã thúc đẩy sự phát triển của loại đạn cỡ 125mm của Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay điều này không còn phù hợp nữa: các xe tăng T-72B3 và T-90 hiện đại của Nga được trang bị hệ thống giáp phản ứng nổ Relikt tiên tiến hơn

Ngoài các xe bọc thép, vào năm 2009, Kiev đã bán hai chiếc máy bay tiêm kích huấn luyện chiến đấu Su-27UB hai chỗ ngồi cho công ty tư nhân Pride Aircraft từ Chicago.

 Ở Mỹ, hai chiếc máy bay đã được sữa chữa và bay lên trời, đoạn video về các chuyến bay này đã xuất hiện trên Internet. Nhưng, sau đó trang web của công ty báo cáo rằng, hai chiếc máy bay chiến đấu của Nga đã được bán. Người mua không được tiết lộ, nhưng rất có thể Lầu Năm Góc đã nhận được các máy bay này.