Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ GTVT đã đi trước các Bộ, ngành khi đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành rất lớn gồm: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Cụ thể, 5 quy hoạch là tiền đề rất quan trọng để hiện thực hóa các nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ 13 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới bởi hạ tầng luôn phải đi trước một bước, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó.
Nhắc tới dự án cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng cho biết, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam còn thiếu 65 triệu m3 vật liệu, công tác thi công rất khó khăn. Đến nay, những vướng mắc về vật liệu đã cơ bản được tháo gỡ, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã hoàn thành gần 100%.
"Tiến độ dự án đang rất tốt, cơ bản sẽ hoàn thành 654km vào năm 2023. Sắp tới, Bộ GTVT tiếp tục bám sát để trình Quốc hội thông qua chủ trương cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.
Đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT tập trung hoàn thiện các thủ tục để bàn giao cho Hà Nội đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác trong tháng 11/2021.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết của dự án sân bay Long Thành, sớm hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí trên cả nước, đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các địa phương…
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận những chuyển biến trong việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm khác như: Dự án sân bay Long Thành, dự án cải tạo nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cảng biển… Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi kinh tế, phòng chống dịch Covid-19, công tác vận tải, lưu thông hàng hóa vẫn giữ được sự ổn định.
Trước đó, Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội, TP.HCM và chỉ ra một số tồn tại thuộc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đến nay đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tiến hành nghiệm thu và đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Toàn bộ kết quả này đã được báo cáo gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước.
Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định hiện hành.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt cũng phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành dự án.
Cùng với đó, tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP.Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.