Gia đình anh Toán có 6 nhân khẩu, đất cấy lúa gần 2 ha, mỗi năm cấy 1 vụ lúa mùa, thu hoạch trên 100 giạ đủ cho gia đình ăn trong một năm. Ngoài trồng lúa, anh thả nuôi 3 vụ tôm sú, 2 vụ cua, thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Vợ chồng anh Toán còn mở tiệm bán tạp hóa, tiền lời đủ chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Nhìn chung, cuộc sống gia đình anh Toán tương đối ổn định.
Tuy nhiên, anh Toán vẫn chưa bằng lòng với cuộc sống hiện tại, năm 2015 anh mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng 6 hồ nuôi rắn ri tượng.
Mỗi hồ có diện tích từ 4 đến 6 m2 và mỗi hồ anh Toán thả nuôi 50 con rắn ri tượng giống.
Sau 2 năm thả nuôi, anh tiến hành thu hoạch bán rắn ri tượng, trừ chi phí anh còn lời gần 120 triệu đồng.
Khi bán hết số rắn trên, anh Toán cải tạo lại các hồ nuôi để tiếp tục thả nuôi rắn ri tượng. Lần thả nuôi này, anh nuôi với số lượng nhiều hơn, mỗi hồ thả nuôi 70 con rắn. Số rắn nuôi của gia đình anh rất mau lớn.
Hiện nay, trong các hồ nuôi rắn của gia đình anh Toán có khoảng 200 con rắn ri tượng loại từ 400g đến 600g; hơn 200 con loại 700g đến 1,5kg.
Những con rắn có trọng lượng trên 1kg anh để lại cho sinh sản bán rắn con giống. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm Tân Sửu 2021, anh Toán bán hết số rắn thịt, cộng với tiền bán rắn con giống trong 1 năm thì gia đình anh Toán thu nhập trên 150 triệu đồng.
Trên thị trường, mỗi con rắn ri tượng giống bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng, rắn ri tượng thịt bán với giá từ 350.000 đến 400.000 đồng/ký. Có thời điểm rắn ri tượng hút hàng, mỗi ký rắn bán tăng lên 500.000 đến 550.000 đồng.
Anh Toán cho biết: “Nuôi rắn ri tượng không khó lắm, bà con nông dân nào nuôi cũng được, nhưng để nuôi mau lớn người nuôi phải hiểu biết về kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc. Cách nuôi rắn ri tượng cũng đơn giản, hồ nuôi phải được xây dựng chắc chắn...".
Theo anh Toán, vách tường hồ nuôi rắn xây bao quanh cao từ 1,2 đến 1,5 mét, mặt phía trên miệng hồ giăng 1 lớp lưới B40 và khóa cho chắc chắn để hạn chế nạn trộm cắp...
Trong hồ nuôi rắn, nông dân để mực nước từ 30 đến 40 cm, bỏ một ít dây chuối, dây ni lon đen để làm nơi trú ẩn cho con rắn.
Lúc rắn ri tượng còn nhỏ, nên xay cá rô phi cho nhuyễn rồi đút cho rắn ăn. Khi rắn lớn, cá rô phi chỉ cần dùng kéo hớt ra từng miếng nhỏ rồi bỏ xuống hồ nuôi rắn tự ăn.
Rắn ri tượng còn nhỏ, 3 ngày cho ăn 1 lần, rắn ri tượng lớn 5 đến 7 ngày cho ăn 1 lần. 1 đến 2 tuần nên thay nước trong hồ 1 lần để tránh bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến quá sinh sinh trưởng và phát triển của rắn.
Thức ăn cho rắn ri tượng dược anh Toán tận dụng cá rô phi dưới vuông của gia đình có sẵn. Ngoài nguồn thức ăn cá rô phi, vào mùa mưa, anh còn đi soi nhái, bắt ếch cho rắn ăn dặm thêm để rắn lớn nhanh...
Ngoài nuôi rắn ri tượng, anh Toán còn xây 2 hồ, mỗi hồ có diện tích gần 7m2 để thả nuôi 100 con cua đinh giống.
Số cua đinh này anh nuôi được gần 1 năm tuổi và mỗi con có trọng lượng từ 700g đến 800g. Trên thị trường hiện nay, cua đinh thịt có giá bán từ 500.000 đến 600.000đồng/kg.
Nếu từ giờ đến khi thu hoạch, số cua đinh này không bị trở ngại gì, giá cả ổn định như hiện nay, khi bán hết 100 con cua đinh, trừ chi phí gia đình anh Toán còn lời trên 100 triệu đồng.
Anh Toán cho biết: “Cua đinh nuôi cũng dễ, bà con nông dân nào nuôi cũng được, chăm sóc ít, thức ăn cho cua đinh chủ yếu là cá rô phi xay nhuyễn ra rồi bỏ ở những nơi khô ráo trong hầm nuôi để cua đinh tự bò lên ăn.
Trong hồ nuôi cua đinh, thường người ta có làm một chỗ khô ráo diện tích khoảng 1 mét vuông đó là nơi để cua đinh bò lên tìm mồi ăn.
Nuôi cua đinh ít rủi ro so với một số loại động vật nuôi khác, giá bán rất cao. Có những con cua đinh nuôi từ 2 đến 3 năm trọng lượng 3 đến 4 ký, bán từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng.
"Nếu nuôi cua đinh thuận lợi, giá cả trên thị trường ổn định thì mức thu nhập của người nông dân nuôi cua đinh là rất cao”, anh Toán cho biết.
Mô hình nuôi rắn ri tượng, nuôi cua đinh của anh Trần Thanh Toán, ở ấp 6 xã Khánh Tiến là một trong những mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Mô hình sản xuất của anh Toán cần được nhân rộng để cho nhiều bà con nông dân khác học tập làm theo nhằm phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững ở địa phương.