Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh.
"Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác.
Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về vị trí của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn.
"Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần. Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy, nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động" - ông Lộc nói.
Nói về mục tiêu đặt ra của năm 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta.
Nói về bước đi của ngành nông nghiệp giai đoạn tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng.
"Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Dẫn chứng câu chuyện thanh long Việt Nam bán ở cửa hàng Thái Lan hay một đại sứ ở EU thông tin trái cây Việt mới chiếm 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở cửa hàng gốc Á, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khi đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ, chúng ta biết tác động của kinh tế số bây giờ, một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện: "Về vấn đề nhỏ nhưng không lẻ, tôi có hỏi TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, làm nông nghiệp cần tích tụ, tập trung đất đai bao nhiêu đối với doanh nghiệp? TS. Nguyễn Thanh Mỹ có trả lời: Chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng lần thứ 4, người ta kinh doanh vận tải mà có sở hữu chiếc xe nào đâu? Như Uber, Grab, từng chiếc xe nhỏ nhưng hợp lại, kết nối thành những doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Chúng ta sẽ làm nông nghiệp bằng tư duy như thế, bằng cách thức như thế, để đỡ xáo trộn thị trường, đỡ xáo trộn sở hữu riêng miếng đất của người nông dân".
Để hóa giải các thách thức, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hợp tác xã là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể.
Đến một ngày nào đó với một năng lực nào đó, hợp tác xã sẽ "ngồi ngang hàng" với các doanh nghiệp để đàm phán vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang cần hợp tác xã nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ.