Chiều tối 28/10, nhiều nhà hàng lẩu, nướng tại TP.HCM nhộn nhịp người vì suốt hơn 4 tháng qua, người dân chỉ được ăn uống tại nhà. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng vì thiếu nhân viên.
Bình thường, nhà hàng Dê tươi 378 trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM) do ông Trương Công Dân làm chủ phải có ít nhất 20 nhân viên mới có thể đảm bảo phục vụ tốt nhất cho thực khách.
TP.HCM cho nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ, ông Dân rất mừng nhưng nhìn qua nhìn lại, số lượng nhân viên chỉ được khoảng 10 người, kể cả sau khi đã huy động người thân.
"Tôi phải kêu gọi hết anh em, người thân trong gia đình để hỗ trợ chạy bàn. Cũng may còn một số đầu bếp, do thời gian qua bán cho khách mang về nhưng số lượng cũng ít hơn so với bình thường", ông Dân nói.
Do thiếu người, ngày đầu tiên được bán tại chỗ, ông chủ quán dê này phải xắn tay áo lau chùi chén đĩa, dọn dẹp và kê bàn để đón khách. Bàn ghế nằm trong kho mấy tháng qua nên bụi đóng lớp lớp.
Ông Dân cho hay trong những ngày hàng quán tại TP.HCM đóng cửa vì Covid-19, người dân cần thực phẩm, nhà hàng đã vận động các mạnh thường quân, chủ động liên hệ các đầu mối rau củ quả tại các tỉnh thành để đưa rau củ quả, trái cây về thành phố. Thực phẩm sau đó được hỗ trợ miễn phí cho người dân, các bếp ăn từ thiện cũng như những nơi có nhu cầu.
Khi TP.HCM từng bước mở cửa, cho hàng quán bán mang về, đầu tháng 10, nhà hàng của ông bắt đầu hoạt động trở lại. Khách chưa quen mua các món ăn như lẩu, nướng mang về nên không cần nhiều nhân viên, chủ yếu là đầu bếp. Nhưng hiện nay, TP.HCM chính thức cho phục vụ tại chỗ, ông cần nhiều nhân viên hơn.
"Trong lúc tạm ngưng hoạt động, nhiều nhân viên về quê. Ở quê cũng chưa được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 nên chưa thể quay lại", ông Dân nói và cho biết đang tuyển thêm nhân viên ở nhiều vị trí, từ bếp đến phục vụ, chạy bàn.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi trong ngành F&B (viết tắt "Food and Beverage Service" - kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống) tính đến sáng 29/10 cũng chưa phục vụ ăn uống tại chỗ ở tất cả chi nhánh. Nhiều nơi vẫn đang tiếp tục lên kế hoạch phục vụ tại chỗ, nhiều khả năng sẽ mở lại hết vào tuần sau, sau khi sắp xếp được vấn đề nhân sự.
Nhà hàng Đậu Homemade nằm trong khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) sáng nay vẫn chỉ bán mang đi. Gần 10 chi nhánh của hệ thống này tại TP.HCM cũng chưa bán tại chỗ trở lại, dù nhiều khách quen đã nóng lòng được ăn bún đậu ngay tại không gian quán sau 4-5 tháng xa cách.
Tuy nhiên, đại diện quán cho biết do phần lớn nhân viên đã về quê tránh dịch nên chưa thể quay trở lại làm việc ngay. Mỗi cửa hàng phục vụ tại chỗ cần ít nhất 20 người, trong khi con số đáp ứng hiện tại chỉ được khoảng một nửa. Dự kiến, đầu tháng 11, tức tuần sau, hệ thống này sẽ đón khách đến ăn trực tiếp.
Hệ thống lẩu băng chuyền Kichi-Kichi cũng thông báo từ hôm nay, tất cả nhà hàng tại TP.HCM sẽ mở cửa đón khách trở lại, ngoại trừ 5 nhà hàng nằm rải rác tại các quận 3, 12, Gò Vấp, TP.Thủ Đức sẽ mở cửa sau 1 tuần nữa.
Đại diện doanh nghiệp quản lý các chuỗi The Pizza Company, Aka House, Chang, The Coffee Club… cho biết sau một thời gian nghỉ quá dài, một số cơ sở hiện nay không đủ nhân sự nên chưa thể phục vụ ăn uống tại chỗ trở lại ngay hoặc chỉ phục vụ cầm chừng.
Trong thời gian này, các hàng quán đều cho biết sẽ tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, chỉ phục vụ 50% công suất, đón khách có "thẻ xanh" Covid-19, liên tục khử khuẩn bàn ghế, xét nghiệm nhân viên…
Dù rất mừng khi đã được phục vụ ăn uống trở lại, song theo chủ các nhà hàng, nhân sự chính là một trong những khó khăn hiện nay. Trước đó, khó khăn này cũng đã được các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành F&B kiến nghị, mong muốn được tạo điều kiện tháo gỡ như hỗ trợ tiêm vaccine, hỗ trợ tài chính để duy trì trả lương người lao động.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động và tìm việc làm trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Thành đoàn, Liên đoàn Lao động TP và các quận huyện rà soát, triển khai lập danh sách người lao động bị mất việc làm, kết nối tìm việc làm phù hợp.
Dự kiến, hôm nay, ngày 29/10, Sở sẽ kết hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức sàn giao dịch trực tuyến nhằm tư vấn, giao lưu, gặp gỡ trực tuyến giữa người lao động đã làm việc ở TP.HCM nhưng về quê và chưa trở lại được, để cung cấp thông tin cần thiết và giải pháp cụ thể.
Bất ngờ lượng khách đến ăn tại nhà hàng, quán ăn trong ngày đầu TP.HCM cho phục vụ tại chỗ