Ngày 29/10, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, qua công tác nghiệp vụ, đơn vị phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc hỗ trợ phòng, chống Covid-19 không rõ nguồn gốc.
Trước đó, chiều 28/10, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Hà Nam tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh sản phẩm phục vụ trẻ em BabyFamily ở phường Minh Khai (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) do Nguyễn Thị T (SN 1985) làm chủ đang bán thuốc nhãn hiệu “ABIDOL”.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 272 hộp thuốc nhãn hiệu “ABIDOL”.
Chủ cơ sở cho biết đây là thuốc hỗ trợ phòng, chống Covid-19 và không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến số thuốc trên.
Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số thuốc trên để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Gần đây, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương liên tục phát hiện và thu giữ nhiều thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, ngày 7/9, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đơn vị phát hiện và thu giữ 1.000 viên thuốc điều trị Covid-19 ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ.
Vào ngày 3/9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 có nhãn mác ghi chữ nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, đồng thời không có thông tin đơn vị nhập khẩu và không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Theo thông tin rao bán của chủ hàng, có 2 loại thuốc điều trị Covid-19 bị thu giữ chuyên sử dụng để điều trị cho bệnh nhân F0. Trong đó, có loại dành cho người già. Người bán luôn khẳng định là thuốc xách tay từ Nga. Nhưng hiện Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho 2 loại thuốc kể trên.
Còn ngày 31/8, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng đã phát hiện và tạm giữ hơn 121 hộp thuốc "điều trị Covid" không rõ nguồn gốc tại một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa ở đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm).
Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này cũng khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng tùy loại. Sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần để kiếm lời.