Mới đây, vụ việc giáo viên và phó hiệu trưởng trường THPT TP Cao Lãnh, Đồng Tháp để lộ việc chia sẻ clip "nhạy cảm" trong giờ học trực tuyến gây xôn xao dư luận. Sau sự việc Trường THPT TP Cao Lãnh đã chấn chỉnh các cá nhân có liên quan.
Cả giáo viên và phó hiệu trưởng đã nhận lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm không để sự việc tương tự xảy ra. Bên cạnh đó, Sở GDĐT tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp với công an xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm nếu có vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
Về vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đánh giá, đây là hiện tượng không an toàn trên không gian mạng.
"Việc để lộ clip nhạy cảm khi dạy trực tuyến cần phải xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân. Đây là sơ suất xảy ra hay với ý đồ gì. Nếu do sơ suất thì phải nhắc nhở bởi trong môi trường giáo dục không được xảy ra những vấn đề này. Nếu giáo viên có tư tưởng truỵ lạc, đưa những vấn đề đó ra ngoài, đặc biệt trong quá trình giảng dạy phải nghiêm trị", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu.
Ông Nhĩ cho rằng, việc áp dụng công nghệ vào dạy học trực tuyến là cái mới mà nhiều người trong đó có cả thầy giáo và học sinh chưa nắm vững. Từ những vụ việc lộ thông tin nhạy cảm khi dạy trực tuyến, ông cho rằng cần phải kiểm điểm giáo viên.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, an toàn, an ninh mạng trở thành vấn nạn khi chúng ta làm việc online. Bên cạnh đó còn một vấn đề là trong quá trình làm việc online, mọi người không toàn tâm toàn ý, không có giờ nào việc nấy, không có kỷ luật.
"Có nhiều người toàn làm việc đa nhiệm, khi đang làm công việc này vẫn có thể làm một công việc khác đi kèm. Do không thành thạo về công nghệ thông tin hoặc cũng có thể có động cơ khác dẫn đến nhiều sự cố, tạo nên hình ảnh không đẹp, không chuyên nghiệp đối với ngành nghề nói chung đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm khi người giáo viên luôn trở thành tấm gương chuẩn mực về phong cách, hành vi ứng xử để các thế hệ học trò học tập, noi theo", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, chính sự không toàn tâm toàn ý, không có kỹ năng bảo vệ và sống an toàn trên không gian mạng dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Từ một số "tai nạn nghề nghiệp" đã xảy ra, ông Nam cho rằng giáo viên cần phải tạo nên tính chuyên nghiệp trên không gian mạng. Cụ thể, khi làm việc, mọi người nên nghiêm túc, giờ nào việc nấy, "đúng vai thuộc bài", nghiêm cẩn trong đó chứ không thể "à uôm trên vest dưới quần đùi".
"Giáo viên cũng phải có thói quen làm việc tác phong công nghiệp. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực công dân số cho toàn dân, có như vậy mới làm việc online được. Những kiến thức cơ bản bảo vệ mình trên không gian mạng, ví dụ như máy móc bị nhiễm virus cũng có thể dẫn đến việc bị "bắt" được camera từ xa, điều khiển được máy tính, ghi âm… Điều đó có khả năng dẫn đến nhiều việc lọt clip, hình ảnh nhạy cảm cho người lợi dụng với mục đích xấu", ông Nam chia sẻ thêm.