Ưu tiên xây hồ La Ngà 3 do thiếu nguồn nước trầm trọng
Trả lời câu hỏi của Dân Việt, người dân sẽ hưởng được gì khi hồ chứa nước La Ngà 3 hoạt động, ông Dương Văn An thông tin: Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn nhất nước nên việc xây dựng các hồ chứa nước và hệ thống thủy lợi có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Bình Thuận, không chỉ cho sản xuất mà cả sinh hoạt của người dân.
Trong các năm 2014, 2015, và đầu năm 2016 do hiện tượng El Nino, nên lượng nước tích trữ vào nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi không đảm bảo, một số hồ chứa nước bị khô kiệt trơ đáy, tỉnh Bình Thuận bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông An dẫn chứng: Trong vụ đông xuân 2015-2016 tỉnh Bình Thuận đã phải cắt giảm diện tích hơn 15.400 ha; hơn 120.000 nhân khẩu trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt, gần 3.300 ha nông nghiệp bị thiệt hại. Diện tích gieo trồng vụ hè thu 2016 đã cắt giảm 26.287 ha.
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, việc phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ ở khu vực phía Nam của tỉnh, gồm các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và TX La Gi, cũng gặp khó khăn về nguồn nước.
Theo Quy hoạch phát triển thủy lợi Bình Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030, dự báo nhu cầu sử dụng nước của toàn tỉnh đến năm 2020 là 2,4 tỷ m3.
Trong đó nhu cầu nước của vùng phía Nam tỉnh đến năm 2020 là 1,25 tỷ m3. Nhưng thực tế, mấy năm qua nguồn nước không đủ cung cấp.
Cân đối với nguồn nước và năng lực của các hồ chứa hiện có, toàn tỉnh Bình Thuận hiện thiếu 312 triệu m3.
Trong đó vùng phía Nam của tỉnh Bình Thuận thiếu 186 triệu m3. Dự báo thời gian tới, nhu cầu nước gia tăng trong tương lai vùng Nam Bình Thuận sẽ thiếu đến 240 triệu m3.
Ông Dương Văn An cho rằng, để đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tình hình biến đổi khí hậu và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước La Ngà 3 là rất cần thiết, cấp bách.
Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho riêng tỉnh Bình Thuận mà còn cả tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khi hồ Là Ngà 3 hoàn thành sẽ tạo nguồn cung cấp nước hơn 1,3 tỷ m3/năm, phục vụ nước tưới tiêu cho gần 100.000 ha đất nông nghiệp, trong đó khoảng gần 4.000 ha ở khu vực thượng sông Ray, huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai.
Hồ La Ngà 3 cũng cung cấp khoảng 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, phục vụ cho công nghiệp, du lịch của tỉnh Bình Thuận; cấp khoảng 20.000m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Đồng Nai và khoảng 300.000m3/ngày cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, hồ La Ngà 3 có chức năng giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà.
Nguồn nước thủy lợi từ hồ này cũng làm được nhà máy thủy điện có công suất khoảng 36 – 40 MW.
"Việc ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3 không riêng gì Bình Thuận mà 2 tỉnh láng giềng đều có lợi. Cái lợi lớn là có nguồn nước tưới cho gần trăm nghìn ha đất nông nghiệp, phục vụ nước sinh hoạt, du lịch, công nghiệp. Đối với sản xuất điện, vẫn có thể thực hiện dự án phát điện từ nguồn nước thủy lợi", ông Dương Văn An nói.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận (Sở NNPTNT) cho biết, nếu được Trung ương phê duyệt thì sẽ làm các thủ tục quan trọng cần thiết bởi Dự án hồ chứa nước La Ngà 3 là dự án quan trọng quốc gia theo Luật đầu tư công (số 39/2019/QH14), có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên 50 ha, dự án có quy mô lớn và phức tạp.
Khi triển khai thực hiện Dự án được chia thành 2 hợp phần:
Hợp phần xây dựng thủy lợi: Cấp quyết định đầu tư là Bộ NNPTNT; chủ đầu tư: Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 sẽ triển khai lập hồ sơ thiết kế từng giai đoạn theo quy định sau đó sẽ triển khai thi công công trình.
Hợp phần đền bù tái định cư: Do UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư sẽ triển khai thực hiện công tác đền bù tái định cư, tiến độ thực hiện đảm bảo phù hợp với tiến độ thi công công trình.
Sau khi Dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua, tỉnh Bình Thuận và Bộ NNPTNT triển khai thực hiện ngay và thi công hoàn thành trong năm 2025.
Nguồn vốn thực hiện dự án này từ Trung ương và vốn địa phương.