Ngày 29/10, VFF đã công bố danh sách các CLB được cấp phép tham dự V.League và các giải đấu của AFC vào năm 2022. Có 11 CLB đủ tiêu chuẩn được cấp phép, 2 CLB được cấp phép ngoại lệ là Sông Lam Nghệ An và Bình Định. Riêng CLB Than Quảng Ninh không được cấp phép do không đáp ứng được các tiêu chí cấp phép do LĐBĐ châu Á (AFC) đề ra.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chị Vũ Thị Thúy, Phó chủ tịch Hội VĐV Than Quảng Ninh để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của họ.
"Tôi mong rằng một tuần là đủ để Than Quảng Ninh lội ngược dòng"
Chị Vũ Thị Thúy tâm sự: "Tôi buồn lắm. Nếu phải làm gì để Than Quảng Ninh tồn tại, tôi cũng sẵn sàng.
Một tỉnh như Quảng Ninh, kinh tế phát triển lại để cho đội bóng giải thể, tan rã thì thật đáng buồn. Đội bóng không phải xây dựng ngày một, ngày hai mà đã có hơn 65 năm. Bao nhiêu người xây dựng mới có được đội bóng như hiện tại, nhưng lại sụp đổ lại trong một tích tắc".
Chị Thúy nói tiếp: "Hội CĐV Than Quảng Ninh ở V.League luôn nhiệt tình, theo sát đội bóng, thế mà lãnh đạo tỉnh không quan tâm đến cảm xúc của người hâm mộ. Bóng đá là món ăn tinh thần của CĐV nhưng thật tiếc khi đội bóng không được chăm lo đúng mức".
Khi được hỏi CĐV Quảng Ninh thời gian vừa qua có làm gì để bảo vệ đội bóng không, chị Thúy cho biết: "Nếu không vì dịch bệnh, CĐV đã tập trung lên UBND tỉnh Quảng Ninh để kiến nghị các lãnh đạo giữ lại đội bóng, không thể để đội bóng giải tán như thế này được. Chúng tôi cũng chỉ biết chia sẻ lên trang facebook của hội, lên mạng xã hội. Tôi biết, lãnh đạo tỉnh nắm được vấn đề, nhưng chưa có cách giải quyết kịp thời".
"Ở Quảng Ninh, ngoài du lịch thì bóng đá là phương tiện để người dân giải trí sau những ngày làm việc mệt mỏi. Như tôi, cuối tuần lên sân được hòa mình vào dòng người để cổ vũ bóng đá là cách rất tốt xả stress. Nhưng nguồn động viên tinh thần đấy bây giờ cũng không còn nữa khiến cuộc sống nhàm chán. Tôi thấy, từ ngày có bóng đá, thanh niên cũng ít xô xát, đánh nhau. Bóng đá không những gắn kết tinh thần đoàn kết của người dân mà còn mang đến những điều tích cực", chị Thúy chia sẻ thêm.
Khi được phóng viên đặt vấn đề, CLB Than Quảng Ninh mất nhiều năm cố gắng để có được vị trí và lượng CĐV hùng hậu như hiện tại, chị thấy sao khi cái tên Than Quảng Ninh không còn tồn tại ở V.League?, Chị Thúy cho biết: "Khi Than Quảng Ninh không còn tồn tại ở V.League, giải sẽ mất đi một phần nào đó sôi động. Trước đó, CLB Than Quảng Ninh có hội CĐV nhiệt huyết, đam mê với bóng đá, cổ vũ văn minh, cuồng nhiệt không chỉ ở sân nhà mà cả sân khách. Ngoài ra, đội bóng Than Quảng Ninh có chất lượng cầu thủ rất tốt, đóng góp nhiều vào chất lượng V.League. Tôi cảm thấy rất đáng tiếc cho bóng đá Việt Nam nói chung và người dân Quảng Ninh nói riêng".
Chị Thúy nhấn mạnh CLB Than Quang Ninh như gia đình thứ 2, từ lâu là một phần trong cuộc sống của chị. "Nếu ngày nào đó Than Quảng Ninh trở lại V.League, chúng tôi sẵn sàng quay trở lại tiếp tục đồng hành cùng CLB. Tôi mong rằng, có một phép màu để CLB Than Quảng Ninh được ở lại V.League", chị Thúy tâm sự.
"Hàng nghìn CĐV viết tâm thư nhưng không có kết quả"
Chị Đàm Kim Khánh - Phó chủ tịch hội CĐV Than Quảng Ninh nói: "Tôi buồn và thất vọng vô cùng, không thể nghĩ một tỉnh giàu như Quảng Ninh lại để đội bóng mình tan rã. Rất hy vọng những tâm sự của CĐV sẽ được quan tâm. Hiện tại Than Quảng Ninh là CLB có cơ sở vật chất tốt từ sân bãi, con người, CĐV hùng hậu. Nếu đội bóng mất cơ hội dự V.League thì quả là điều đáng tiếc".
Anh Tiến Hải, một CĐV lâu năm của Than Quảng Ninh chia sẻ: "Tôi thấy xấu hổ vô cùng. Tỉnh nhiều doanh nghiệp thu nhập tốt và tình yêu của người dân dành cho bóng đá rất lớn. Việc không giữ được đội bóng động đến danh dự của người Quảng Ninh".
"Tôi nghĩ, lãnh đạo tỉnh không yêu bóng đá, họ không quan tâm đến tình yêu của dân Quảng Ninh. Có lẽ, họ chưa đặt mình vào vị trí của người yêu bóng đá trong tỉnh. Tỉnh cứng nhắc trong giải quyết vấn đề với nhà tài trợ mới, không tạo điều kiện cho họ.
Nguyên nhân đến từ việc đầu tư cho bóng đá mỗi năm mất 70-100 tỷ, doanh nghiệp đầu tư luôn lỗ. Có vài tập đoàn muốn đầu tư nhưng không đi đến thỏa thuận cuối cùng. Nỗi đau còn lại chỉ để cho cầu thủ, BHL cùng CĐV gánh vác", anh Hải nghẹn ngào chia sẻ.