Trao đổi với Dân Việt về thắc mắc "cán bộ, công chức viên chức thuộc diện tinh giản biên chế có được tuyển dụng lại không?", luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc Công ty luật XTVN, đoàn luật sư TP Hà Nội nói: "Đầu tiên, chúng ta phải hiểu quy định hiện nay về việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức thuộc diện tinh giản biên chế".
Luật sư cho hay, khoản 1 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và sử dụng số cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản nêu rõ:
"Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật để tuyển dụng mới công chức, viên chức và lao động hợp đồng, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật.
Trường hợp Bộ, ngành, địa phương được thành lập tổ chức mới hoặc được cấp có thẩm quyền giao thêm chức năng, nhiệm vụ, thì Bộ, ngành, địa phương tự cân đối trong tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".
Theo đó, từ việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức bị tinh giản biên chế có thể chia thành 3 đối tượng: Về hưu trước tuổi, thôi việc và chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
Như phân tích trên, căn cứ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định 113/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, bên cạnh đối tượng về hưu trước tuổi còn có 2 đối tượng khác chịu tác động mạnh mẽ từ chính sách tinh giản biên chế gồm: Những người chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước và những người nằm trong diện chính sách thôi việc ngay.
Trong trường hợp những người thuộc 2 nhóm đối tượng này muốn làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập vẫn có thể tham gia dự tuyển vào các vị trí công chức, viên chức.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 36 Luật cán bộ, công chức năm 2008 và khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức năm 2010, các ứng viên đảm bảo các điều kiện sau có thể đăng ký dự tuyển vào vị trí công chức, viên chức:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Đủ 18 tuổi trở lên.
- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng.
- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp.
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ.;
- Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Luật cán bộ, công chức năm 2008 chỉ quy định những người sau không được đăng ký đăng ký dự tuyển công chức:
- Không cư trú tại Việt Nam.
- Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Tương tự, đối với những trường hợp sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
"Như vậy, nếu những đối tượng thuộc trường hợp bị tinh giản biên chế, nếu đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện dự tuyển vào vị trí công chức, viên chức đồng thời không thuộc các trường hợp không được đăng ký dự tuyển vẫn có thể được dự tuyển vào cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập một cách bình thường" – luật sư cho hay.