Clip: Nhà máy cấp nước sạch ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) ngừng hoạt động, hàng nghìn dân hộ dân chẳng có nước sạch dùng.
Năm 2009, nhà máy nước Phúc Giang (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được khởi công xây dựng, tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng (kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ, trích từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường), do UBND xã Khánh Vĩnh Yên làm chủ đầu tư.
Nhà máy nước này với nhiệm vụ cung cấp nước cho hơn 2.000 hộ dân thuộc 4 thôn tại xã Vĩnh Lộc là: Đại Bản, Phúc Giang, Thượng Triều và Hạ Triều (nay là xã Khánh Vĩnh Yên).
Năm 2011, nhà máy nước Phúc Giang được đưa vào sử dụng, người dân rất vui mừng, phấn khởi khi không còn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ nguồn ao hồ, sông suối. Nhiều hộ gia đình đã lấp giếng nước, ao hồ vì nghĩ không còn sử dụng đến.
Tuy nhiên, chỉ dùng được hơn 6 năm, năm 2018 nhà máy nước dừng hoạt động, nhiều hạng mục nhà máy nước xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm, từ đó cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Ông Nguyễn Minh Nam (70 tuổi, trú thôn Phúc Giang), nói: "Nhà máy nước Phúc Giang hoàn thành năm 2011, cấp nước cho 500 hộ dân, đến năm 2018 các đường ống, máy móc của trạm nước bị xuống cấp nên phải dừng hoạt động.
Gia đình tôi có 9 người, không có nước sạch nên phải dùng nguồn nước ao, hồ... Biết dùng nước đó không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chẳng biết lấy nguồn nước nào cả".
Tiến thoái lưỡng nan vì vội lấp giếng
"Khi nhà máy nước sạch mới đưa vào sử dụng, người dân phấn khởi lắm, nhiều hộ lấp giếng đào, ao cứ nghĩ sẽ không còn sử dụng nguồn nước bẩn này nữa. Nhưng đến khi nhà máy nước ngừng hoạt động, các hộ dân lại phải khoan giếng. Tuy nhiên, nước giếng khoan bị nhiễm phèn, mặn, không thể sử dụng được.
Chúng tôi mong muốn được các cấp các ngành quan tâm, để người dân có nước sạch dùng, yên tâm lao động sản xuất. Nếu đóng tiền để xây dựng nhà máy nước, chúng tôi cũng chấp nhận" - ông Nam, nói thêm.
Còn bà Nguyễn Thị Thân (SN 1966, xã Khánh Vĩnh Yên), cho hay: "Nhiều năm nay chúng tôi không có nước sạch để sinh hoạt. Khi có nhà máy nước, mỗi hộ gia đình nộp 500.000 đồng, nhưng đến năm 2018 nhà máy dừng hoạt động. Hiện nay, gia đình tôi sử dụng nước mưa để nấu ăn, sinh hoạt thì dùng nước giếng khoan, nhưng lại bị nhiễm phèn nặng".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, cho biết: "Hiện đã có nhiều đoàn khảo sát, tính toán để khắc phục nhà máy nước Phúc Giang. Nhưng hiện nay, do kinh phí dùng để hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương lớn nên không đủ khả năng để khôi phục.
Chúng tôi đang có dự định xây dựng lại nhà máy máy xử lý nước với quy mô cung cấp nước cho địa bàn toàn xã. Ước tính kinh phí để xây dựng là 20 tỷ đồng, số tiền này được lấy từ nguồn ngân sách của xã và nguồn xã hội hóa".
"Phía xã có đầu tư khắc phục phần đấu nối, song mạng lưới ống nước không sửa nên hoạt động một thời gian lại gặp sự cố. Với các công trình cấp nước, một thời gian không sử dụng sẽ rất nhanh hỏng. Hiện các bên đang nỗ lực tìm giải pháp khắc phục rất khó" - ông Lê Viết Thân, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh.