Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Như Nam, cán bộ kỹ thuật tại trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở Kim Bảng (Hà Nam) cho biết, để chăn nuôi gà thành công, khâu phòng bệnh luôn đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ông Nam, để phòng bệnh cho đàn gà, các chủ trang trại cần hạn chế tối đa việc ra, vào khu vực chăn nuôi; phải có hố sát trùng ở cổng ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng trại phải được vệ sinh, sát trùng và để trống ít nhất hai tuần trước khi thả nuôi đợt mới.
Trong quá trình nuôi, ông Nam lưu ý người nuôi cần giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh định kỳ. Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực và dụng cụ chăn nuôi, 2 - 3 lần/tuần.
"Ðây là biện pháp tích cực nhằm tiêu diệt và làm giảm mật độ mầm bệnh có sẵn trong môi trường, làm cho mầm bệnh không thể gây bệnh cho gà. Có thể sử dụng những hóa chất khử trùng như: Chloramin, Virkon, Formol… Ðịnh kỳ phun thuốc để diệt ve, mòng, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh", ông Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, các chủ trang trại cần kiểm tra và xử lý để cống rảnh không đọng phân, nước thải; máng ăn, uống sạch sẽ, không có thức ăn thừa, thiu.
Ông Nam khuyến cáo người nuôi nên đưa gà giống mới mua về ra nuôi ở khu cách ly riêng 2 - 3 tuần, nếu không có biểu hiện của bệnh mới cho nhập vào khu chăn nuôi. Không nên nuôi gà chung với gia súc. Không nuôi xen nhiều lứa gà trong cùng khu vực nuôi.
Cũng theo ông Nam, người nuôi lưu ý phát hiện sớm các trường hợp gà bị bệnh để cách ly điều trị, xử lý kịp thời tránh bệnh lây lan. Người làm việc trong trại không tiếp xúc với gia cầm ở các trại khác. Phải thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn sinh học liên quan đến việc vệ sinh trong trại. Phải rửa chân tay và khử trùng chân tay, giày dép sau khi tiếp xúc với gà ốm hoặc chết.
Đặc biệt, các trang trại phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gà. Ngoài vắc xin cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vắc xin thông thường như: Marek gà; Gumboro; Ðậu gà; Dịch tả; Tụ huyết trùng theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gà miễn dịch với các bệnh này.
"Vào những ngày thời tiết quá lạnh bà con nên tiêm hoặc nhỏ vaccine cho gà vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày sẽ đạt hiệu quả cao nhất", ông Nam tiết lộ.
Trao đổi thêm với chúng tôi về giá gia cầm hôm nay, ông Nam cho biết, giá gà công nghiệp hôm nay vẫn đang có xu hướng giảm.
Giá gà lông trắng loại trên 3,5kg/con hàng gia công bán buôn tại trại khoảng trên dưới 27.000 đồng/kg.
Giá gà ta Lạc Thủy giao dịch tại các vùng Hòa Bình cao nhất đạt trên 70.000 đồng/kg.
Giá gà lông trắng tại các vùng phía Nam dao động trên dưới 30.000 đồng/kg.
Theo dự đoán của ông Nam, vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch giá sản phẩm chăn nuôi luôn ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên lượng trang trại vào đàn, tái đàn hạn chế khiến cho nguồn cung gà khá khan. Do đó, có thể giá gà công nghiệp sẽ tiếp tục tăng nhẹ vào tuần tới.
Theo nhiều chủ trang trại, nhiều ngày nay giá vịt trắng vẫn neo ở mức cao, loại hàng ngon luôn được các thương lái săn đón với giá cao trên dưới 55.000 đồng/kg.
Giá vịt siêu nạc bán buôn tại trại ở Đồng Nai, Bình Dương... phổ biến ở mức từ 53.000 đồng đến 56.000 đồng/kg, tùy loại.
Giá vịt bầu cánh trắng bán buôn tại trại ở các vùng phía Bắc vẫn giữ ở mức từ 35.000 đồng đến 38.000 đồng/kg.
Giá vịt bơ bán khá chậm ở mức từ 34.000 đồng đến 36.000 đồng/kg, tùy loại.
Giá vịt siêu bán tùy từng trại đạt từ 65.000 đồng đến 70.000 đồng/con.
Giá ngan thịt ổn định ở mức từ 48.000 đồng đến 55.000 đồng/kg, ngan già có vùng ở miền Bắc bán được 56.000 đồng/kg.