Ngành công nghiệp điện ảnh đang phải đối đầu với một thách thức lớn thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên, bằng cách lật lại các bài học từ quá khứ, trở ngại này có thể biến thành cơ hội. Đây là chia sẻ của các diễn giả tại phiên thảo luận TIFFCOM, tại liên hoan phim quốc tế Tokyo. Các diễn giả khác tại phiên thảo luận bao gồm: Mathieu Fournet, Trung tâm Điện ảnh Quốc gia của Pháp (CNC) và Jang Gwang-soo, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC).
Shiina Yasushi, người đứng đầu TIFFCOM, tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo cho rằng, các hãng phim Nhật Bản từng phải đối mặt với tình thế khó khăn tương tự vào những năm 1980. Lúc bấy giờ, hình thức xem phim tại nhà qua băng video cực kỳ thịnh hành tại Nhật Bản. Các nhà làm phim tại xứ sở mặt trời mọc đã phải đau đầu khi cố gắng giải bài toán này và đưa khán giả trở lại phòng vé. "Chúng tôi phải tìm cách sống chung và hưởng lợi từ các hình thức phát hành phim trực tuyến", anh nói.
Mặc dù vẫn có những "bom tấn" như siêu phẩm hoạt hình "Demon Slayer" đạt thành công, nhưng tính trên phương diện tổng thể, doanh thu phòng vé bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tại Nhật Bản, doanh thu giảm tới 50% và con số này lên tới 70% tại Hàn Quốc.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia đã dần được kiểm soát, khán giả đã bắt đầu quay trở lại rạp chiếu. Fournet cho biết tại Pháp, chín triệu vé xem phim đã được bán trong tháng 9, bằng khoảng 80% so với số liệu trước Covid-19. "Khán giả đã bắt đầu quay trở lại phòng vé. Thị phần của các bộ phim Pháp chiếm 47% trong chín tháng qua, một kết quả khả quan", anh nói.
Lý giải về điều này, Fournet cho biết, các siêu phẩm "bom tấn" của Hollywood năm nay giới hạn về mặt số lượng, tạo điều kiện cho phim trong nước tăng trưởng.
Thị trường đã thay đổi khi người hâm mộ điện ảnh giờ đây đã quen với việc xem phim và các nội dung khác trên các dịch vụ phát trực tuyến sau nhiều tháng giãn cách. Shiina cho biết, vào năm 2020, thị trường SVOD Nhật Bản đã tăng lên 2,9 tỷ USD.
"SVOD (Subscription video on demain - trả tiền cố định để xem phim hàng tháng) đã có ảnh hưởng lớn không chỉ đến các rạp chiếu phim Nhật Bản mà còn đối với nhà sản xuất phim và khán giả", Shiina nói. Fournet cho biết: "Dẫn dụ khán giả ra khỏi nhà và quay lại rạp chiếu phim là một trong những thách thức lớn đối với chúng tôi trong những tháng sắp tới".
Fournet giải thích, Chính phủ Pháp đã lập một quỹ để bồi thường cho các rạp chiếu phim, nhà phân phối, đại lý bán hàng, đạo diễn và người viết kịch bản. Đối với giai đoạn tái xây dựng, Chính phủ Pháp có kế hoạch đầu tư vào các studio và cơ sở sản xuất nội dung nền tảng kỹ thuật số. Điều này đánh dấu sự thay đổi so với cách thức hoạt động của ngành công nghiệp Pháp kể từ những năm 1960. "Chúng tôi thường tận dụng đường phố để quay ngoại cảnh. Vì vậy, Pháp không có các cơ sở trường quay quá lớn", Fournet nói.
Uỷ ban xúc tiến điện ảnh Hàn Quốc tổ chức các cuộc thảo luận với các "ông lớn" trong ngành công nghiệp điện ảnh, để vạch ra các mục tiêu cho 5 đến 10 năm tới. Jang cho rằng, mục đích là để sửa chữa một "hệ sinh thái điện ảnh đã bị hư hại" và "ổn định môi trường cho những người trong ngành". Đây là hành động ngăn chặn việc "chảy máu chất xám" từ phòng vé sang các nền tảng trực tuyến.
Hàn Quốc có một quỹ phát triển điện ảnh tương tự như Pháp nhưng khác biệt chính là nguồn tài chính chỉ đến từ việc bán vé. Vì vậy, kết quả là một siêu phẩm như "Squid Game" đã kiếm bộn tiền cho Netflix, nhưng ngành điện ảnh Hàn Quốc không được bất kỳ lợi ích tài chính nào. "Vì vậy, đối với chúng tôi, "Squid Game" không phải là một thành công lớn. Đây là một thách thức đối với ngành điện ảnh Hàn Quốc".