Ngày 3/11, ông Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) cho biết, từ ngày 25/10 vừa qua, sinh viên (chủ yếu là năm cuối các khóa 08ĐH và 09ĐH) đã được đến trường để đăng ký phòng thực hành, thí nghiệm làm đề tài, khóa luận để chuẩn bị kết thúc khóa học.
Điều kiện để được đăng ký là sinh viên phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, hay là F0 đã khỏi bệnh (có giấy chứng nhận) và phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch.
Với nguyên tắc thích ứng nhưng phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp như phun khử khuẩn toàn bộ sân trường, khu vực phòng học, cầu thang, khu làm việc... Sinh viên và giáo viên vào trường phải thực hiện khai báo y tế, sát khuẩn tay và phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
"Hơn 2.000 sinh viên đã đăng ký sử dụng phòng thí nghiệm thực hành trong đợt vừa rồi, nhưng vì số lượng quá lớn nên nhà trường đã chia ra nhiều ca, nhiều đợt khác nhau.
Mỗi ngày có 200 sinh viên và giáo viên đến sử dụng phòng thực hành, mỗi một ca chỉ có từ 4 đến 6 sinh viên trong một phòng, lưu lượng sẽ được giảm tải và chia thành nhiều ca trong ngày để đảm bảo an toàn phòng dịch trong công tác giảng dạy và học tập thực hành trực tiếp của sinh viên" - ông Sơn chia sẻ.
Ngoài ra, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng bố trí 1 bác sĩ và 1 nhân viên y tế túc trực gần phòng thí nghiệm để kịp thời xử lý khi có sinh viên gặp các triệu chứng. Dự kiến, trong tháng 11 nhà trường sẽ tổ chức các lớp thực hành trực tiếp cho sinh viên của các khóa còn lại.
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng mở cửa đón sinh viên đến học trực tiếp tại trường từ đầu tháng 11. Được biết, có khoảng 100 sinh viên năm cuối được đến trường để học trực tiếp các phần thực hành hoặc làm luận án tốt nghiệp.
Theo đại diện nhà trường, các sinh viên này đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 như quy định và mỗi lớp học được bố trí tối đa 20 người để đảm bảo an toàn trong đại dịch. Đối với sinh viên ở các tỉnh khác, hầu hết đều chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên chưa đủ điều kiện để quay trở lại trường để học trực tiếp.
Hồi đầu tháng 10, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có thông báo cho sinh viên đủ điều kiện được đăng ký học trực tiếp tại trường sau thời gian dài học trực tuyến phòng dịch Covid-19. Sinh viên đủ điều kiện sẽ được đăng ký sử dụng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành. Nhà trường cũng bố trí lớp học phù hợp và dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM vẫn chưa đón sinh viên trở lại được.
Theo đó, nhà trường vẫn đang lên các phương án kỹ càng cho việc dạy học trực tiếp theo các quy định của thành phố. Khi mọi việc sẵn sàng, trường sẽ có thông báo mới về việc cho sinh viên vào trường để thực hành, thực tập và làm thí nghiệm.
Theo lãnh đạo nhà trường, hơn 3.000 sinh viên đã đăng ký trở lại học tập trực tiếp, trong số này có khoảng 2.500 sinh viên đủ điều kiện. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải cân nhắc kỹ phương án đến trường trên cơ sở tham khảo các quy định phòng dịch của thành phố.
Tương tự, Trường Đại học FPT cũng dự kiến mở cửa cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp từ giữa tháng 11. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải lường trước tình huống xảy ra nếu mở cửa trở lại.
Theo đó, giả sử khi đi học lại, trường phát sinh F0 thì phương án xử lý như thế nào?
"Nếu xuất hiện Covid-19 rồi đưa đi cách ly tập trung toàn bộ các em học sinh có liên quan, cách ly tại nhà... chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến học sinh, sinh viên và cả người thân trong gia đình.
Vì vậy, tốt nhất là cứ học trực tuyến thêm một vài tháng nữa để tình hình dịch diễn biến ổn hơn thì mới đi học trực tiếp. Còn mở cửa trường đại học trong thời điểm này thì cần phải hết sức cân nhắc” - lãnh đạo trường FPT nhấn mạnh.