Tại buổi lễ đón nhận quyết định, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "Nhận quyết định công nhận "Thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới" của Thủ tướng Chính phủ là vinh dự, niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang. Trong thời gian tới, tôi đề nghị thành phố Tuyên Quang tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Việc củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường và nhu cầu của người dân, lấy người dân làm chủ thể,..."
Qua gần 10 năm thực hiện, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực vượt bậc, chủ động phát huy nội lực, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển khá toàn tiện và đạt được những thành tích tích cực, khích lệ trên tất cả các mặt: Đã được công nhận đạt đô thị loại II; diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, hạ tầng kết nối được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm; tổng thu ngân sách thành phố (thu nội địa) tăng 376,92% (từ 160,565 tỷ đổng năn 2011 lên 605,2 tỷ đồng năm 2020); giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt và thủy sản đạt trên 87 triệu đồng.
Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên 570 tỷ đồng (trong đó: Nhân dân đóng góp chiếm 23%). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 0,66%. Các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa không ngừng được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng nhấn mạnh những việc làm cụ thể sau khi đã nhận quyết định công nhận hoàn thành xây dựng NTM, bao gồm:
Một là, chú trọng phát huy sức mạnh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào thi đua "Tuyên Quang Chung sức xây dựng nông thôn mới".
Hai là, chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chủ trương cơ cấu lại kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh. Phát huy sức dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xác định nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, qua đó xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể có lộ trình, thứ tự ưu tiên phù hợp cho từng giai đoạn, từng năm, từng quý và từng tháng để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Ba là, chú trọng công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tính năng động của chính quyền, chủ động thu hút đầu tư, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bốn là, tập trung tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình đã đầu tư, thực hiện tốt phong trào bảo vệ môi trường tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; tiếp tục rà soát, có kế hoạch triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị.
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế có sẵn để phát triển toàn diện và bền vững hơn, nhất là phát triển công nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tranh thủ và huy động tổng thể nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dan giám sát, dân thụ hưởng".
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1666/QĐ-TTg ngày 5/10/2021 công nhận thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển khá toàn diện: Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa; 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của các xã nông thôn mới đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,9%.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố dần chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao; cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư theo quy hoạch. 5/5 xã có nhà văn hóa và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao; an ninh trật tự an toàn, giữ vững. Hiện nay, thành phố không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Kết quả lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, có trên 99% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Tuyên Quang và có chung cảm nhận thành phố đã có sự chuyển mình mạnh mẽ sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện, nâng cao.