Báo Anh Guardian ngày 4/11 đã có bài viết về nữ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo, với nhận định, bà sẽ sớm nổi tiếng ở nước Anh sau khoản tài trợ khủng cho Linacre College.
Guardian đã điểm lại bước đường thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi bà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình bằng việc nhập khẩu máy fax và mủ cao su vào Liên Xô lúc bà đang theo học ngành quản lý kinh tế tại Đại học Công nghệ Hóa học D Mendeleev ở Matxcova, Nga. Trước khi bước sang tuổi 21, Nguyễn Thị Phương Thảo đã kiếm được một triệu USD đầu tiên.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, thường được biết đến với cái tên Madam Thảo, hiện là nữ tỷ phú đầu tiên và duy nhất của Việt Nam với khối tài sản ước tính 2,7 tỷ USD từ VietJet, hãng hàng không do bà sáng lập và điều hành, bên cạnh một đế chế tài sản khổng lồ trải dài từ những tòa nhà chọc trời từ TP. HCM đến các khu du lịch biển 5 sao trên cả nước cũng như hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi và tài trợ nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng tên tuổi của nữ tỷ phú này sẽ sớm được biết đến ở Anh sau khi Đại học Oxford's Linacre College đồng ý đổi tên thành "Thao College" sau khoản "quyên góp chuyển đổi" trị giá 155 triệu bảng Anh từ công ty mẹ Sovico Group do bà Thảo làm chủ tịch, Guardian nhận xét.
"Giáo dục và nghiên cứu là chìa khóa cho sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại. Tôi tin rằng sự hợp tác lâu dài với Đại học Oxford sẽ mang lại những cơ hội mới và giá trị tốt đẹp cho cộng đồng", bà Thảo phát biểu khi công bố thỏa thuận với Linacre College.
Con trai bà Thảo là Tommy Nguyễn, theo học ngành quản lý kinh tế tại Oxford, nơi anh tiếp bước mẹ mình bằng cách thành lập một công ty bên lề. Anh thành lập công ty hậu cần Swift247, chuyên vận chuyển tài liệu từ Đông Nam Á đến phần còn lại của thế giới. Bà Phương Thảo chia sẻ về khó khăn khi vừa xây dựng đế chế vừa nuôi hai con cùng lúc.
Bà Thảo thường chia sẻ rằng, bà không muốn sống cuộc sống là người của công chúng. "Nhưng lãnh đạo doanh nghiệp đã biến tôi thành người của công chúng.Tôi phải luôn ý thức về tinh thần gương mẫu trong lãnh đạo, chia sẻ giữa các nhân viên và tôi buộc phải hy sinh quyền riêng tư và lợi ích của mình ".
Bà Phương Thảo đã "luôn nhắm đến những mục tiêu lớn và thực hiện những giao dịch lớn". "Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì ở quy mô nhỏ. Khi mọi người kinh doanh một container hàng hóa, tôi đã kinh doanh hàng trăm container", Guardian dẫn lời bà Thảo khi nói về khoản tài trợ khủng cho trường Đại học Linacre College .
Khoản quyên góp cho Linacre, được đặt theo tên của nhà nhân văn thời kỳ Phục hưng, nhà khoa học y khoa Thomas Linacre, người mà trường đại học đã mô tả là "một trong những học giả vĩ đại trong thời đại của ông", là khoản quyên góp lớn nhất được trao cho Oxford trong ít nhất 500 năm.
Khoản tiền tài trợ 155 triệu bảng của tỷ phú Phương Thảo đã vượt qua kỷ lục trước đó là 150 triệu bảng do ông trùm cổ phần tư nhân tỷ phú Mỹ Stephen Schwarzman đưa ra vào năm 2019 để tài trợ cho một không gian biểu diễn và nhân văn mới, được gọi là Trung tâm Schwarzman.
Đây không phải là lần đầu tiên các tòa nhà hoặc trường cao đẳng ở Oxford được đổi tên theo các nhà tài trợ. Trường cao đẳng Harris Manchester đổi tên từ trường Cao đẳng Manchester vào năm 1996 sau một khoản tài trợ từ doanh nhân Lord Harris.
Nhà tài chính Wafic Saïd đã quyên góp 70 triệu bảng Anh vào năm 1996, phần lớn trong số đó được dùng để thành lập Trường Kinh doanh Saïd. Len Blavatnik, tỷ phú sinh ra ở Ukraine và là người giàu nhất Vương quốc Anh, theo Sunday Times, đã quyên góp 75 triệu bảng Anh cho trường đại học vào năm 2015 để xây dựng Trường Chính phủ Blavatnik.
Linacre đã phải đối mặt với một loạt chỉ trích từ các học giả vì đã chấp nhận tiền và cho phép "thương mại hóa" môi trường giáo dục. Tuy nhiên, phía trường Linacre cho biết họ rất vui khi nhận khoản đóng góp vì "từ lâu đã là một trong những trường đại học ít được ưu đãi nhất trong hệ thống ĐH Oxford" với chỉ 17,7 triệu bảng Anh trong ngân hàng.