Hai người chưa bao giờ gặp nhau, mặc dù vậy họ gắn bó qua các cuộc điện thoại và tin nhắn, những bức ảnh gia đình và các bài học ngôn ngữ, họ chia sẻ thói quen làm tóc và ước mơ trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi Taliban trở lại nắm quyền, cả hai lo lắng rằng thế giới của họ sẽ ngày càng thay đổi. Hiện tại, những cuộc nói chuyện về niềm đam mê chung đang thưa thớt dần, thay vào đó là nỗi sợ hãi rằng người em họ, cùng những người khác giống như cô ấy ở Afghanistan, có thể bị bỏ lại phía sau.
Asma, 17 tuổi, nói: "Chúng tôi có những mục tiêu và nguyện vọng giống nhau. Sự khác biệt duy nhất là tôi có thể đạt được những mục tiêu và nguyện vọng đó".
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, nhiều cô gái trẻ ở Afghanistan đã phải đối mặt với những giấc mơ tan vỡ, lo lắng cho tương lai của họ, sợ bỏ lỡ những mục tiêu lớn trong sự nghiệp hay thậm chí là không còn những sở thích cá nhân.
Người em họ, Bahara, 13 tuổi, nói với Asma rằng cô rất buồn khi các nam sinh đều đã được gọi trở lại trường học, còn cô thì không. Và ngay cả khi cô ấy được phép quay trở lại, Bahara vẫn lo rằng liệu những giấc mơ của cô ấy có thể thành hiện thực dưới thời Taliban hay không. Cô từng hy vọng một ngày nào đó trở thành nhà thiết kế thời trang, tuy nhiên giờ đây cô đành chấp nhận: "Tôi sẽ từ bỏ điều đó. Tôi rất buồn!"
Asma rất lo lắng cho sự an toàn của gia đình ở Afghanistan cũng như tương lai người em họ của cô. "Tôi luôn nghĩ rằng đó có thể là tôi", cô nói.
Vị thế của phụ nữ Afghanistan một lần nữa trở thành tâm điểm sau sự trỗi dậy gần đây của Taliban, những người đang phải đối mặt với áp lực quốc tế để đảm bảo quyền phụ nữ. Trong thời kỳ cai trị trước đây của họ từ năm 1996 đến 2001, nhóm này đã hạn chế nghiêm ngặt phụ nữ trong những khu vực công cộng, phần lớn thời gian họ bị giam giữ tại nhà.
Nura Sediqe, giảng viên Trường Công và Quốc tế thuộc Đại học Princeton, cho biết trong suốt nhiều thập kỷ, Afghanistan đã được sử dụng làm cơ sở để các cường quốc cạnh tranh tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, trong đó địa vị của phụ nữ Afghanistan thường là trọng tâm.
Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, nhiều rào cản - bao gồm các chuẩn mực văn hóa, sự thiếu ủng hộ của gia đình, nỗi sợ hãi về an ninh, áp lực tài chính, khoảng cách đến trường xa xôi và tình trạng thiếu giáo viên nữ - đã khiến nhiều nữ sinh nghỉ học hơn đáng kể, đặc biệt là khi các nữ sinh đến tuổi dậy thì, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2019.
Phó Giám đốc Điều hành UNICEF Omar Abdi nói với các phóng viên rằng số trẻ em đi học đã tăng từ 1 triệu vào năm 2001, khi Taliban bị lật đổ, lên gần 10 triệu, trong đó có 4 triệu trẻ em gái. Ông nói, bất chấp sự tiến bộ này, 4,2 triệu trẻ em vẫn không được đến trường, trong đó có 2,6 triệu trẻ em gái. Abdi cho biết: "Thành quả giáo dục trong hai thập kỷ qua phải được củng cố", đồng thời kêu gọi Taliban cho phép tất cả trẻ em gái tiếp tục học tập.
Taliban đã tìm cách thể hiện mình ôn hòa hơn so thời kỳ cai trị trước đó, nhưng nhiều người Afghanistan tỏ ra nghi ngờ. Ali A. Olomi, trợ lý giáo sư về lịch sử Hồi giáo và Trung Đông tại Đại học Penn State, Abington, Mỹ, cho biết Taliban đang "sử dụng cách giải thích cá nhân về luật Hồi giáo và kết hợp nó với sự hiểu biết văn hóa của họ để thiết lập quyền tiếp cận của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực".