Dân Việt

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Thuốc giả là thuốc gì và sự nguy hiểm đến mức nào?

Diệu Linh 05/11/2021 16:44 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố vì có tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan đến vụ án thuốc giả của Công ty VN Pharma. Dư luận bức xúc nhất vì thuốc liên quan đến tính mạng con người...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố đến thuốc giả như thế nào?

Theo Cơ quan An ninh điều tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố do có liên quan đến Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả diễn ra từ năm 2012-2013. Đến tháng 5/2020, vụ án kết thúc, xác định các bị cáo "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Sự tàn nhẫn của thuốc giả - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố do có liên quan đến Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả diễn ra từ năm 2012-2013. (Ảnh thuốc minh họa: Ispockphoto)

Trong giai đoạn 2010 - 2014, Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma (VN Pharma); Võ Mạnh Cường, cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C, đã cùng một số đồng phạm làm giả nhiều loại giấy tờ, tài liệu để thay đổi nguồn gốc xuất xứ một số loại thuốc chữa bệnh, hợp thức hóa thủ tục của Cục Quản lý dược để đưa các loại thuốc này vào VN bán lại cho các nhà thuốc, bệnh viện và các công ty kinh doanh dược phẩm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Ngày 4/11, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 360 bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án hình sự "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…", xảy ra tại TP.HCM và Cục Quản lý dược Bộ Y tế.

Liên quan đến các hành vi này, Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng phạm bị xử lý trách nhiệm hình sự trong 2 vụ án độc lập, gồm: vụ "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", liên quan đến thuốc chữa ung thư H-Capita và vụ "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" liên quan đến 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả gồm: Kaderox-250; Kafotax-1000; H2K Levofloxacin và H2K Ciproxacin.

Số thuốc giả Health 2000 Canada đã được bán vào các bệnh viện, nhà thuốc, các công ty kinh doanh dược phẩm, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Theo kết luận điều tra trước đó, lô thuốc trên được tiêu thụ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (100 hộp), Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh (160 hộp), Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (2.630 hộp), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế (17.000 hộp)...

Theo kết luận điều tra bổ sung, căn cứ vào hồ sơ, chứng từ mua bán, đấu thầu từ Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố cung cấp, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, số lượng, giá trị các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada các sở y tế mua vào sau ngày 21/11/2014 như sau:

H2K Levofloxacin: 8.030 hộp, trị giá hơn 616 triệu đồng; H2K Ciprofloxacin 12.031 hộp, trị giá hơn 742 triệu đồng; Kaderox- 250: 15.000 viên, trị giá hơn 202 triệu đồng; MGP Moxinase- 625: 335.427 viên, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.

Toàn bộ số thuốc trên đã được các bệnh viện sử dụng hết cho người bệnh, không còn tồn kho hoặc bị tiêu hủy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Sự tàn nhẫn của thuốc giả - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma - tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 10/2/2020. Ảnh: Ngọc Dương

Theo các nhà chuyên môn, thuốc H2K Levofloxacin là thuốc kháng sinh dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm xoang, viêm phế quản mãn, viêm phổi, viêm tuyến tiền liệt... Thuốc H2K Ciprofloxacin là kháng sinh được điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không tác dụng, như viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm xương - tủy, các bệnh về đường ruột.

Kafotax 1000 là kháng sinh chỉ định điều trị nhiễm khuẩn đường niệu - sinh dục; viêm mô tế bào, chốc lở, nhọt, áp xe; viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản; viêm ruột, lỵ trực khuẩn; viêm màng não; nhiễm khuẩn huyết, bệnh lậu...

Kaderox 250 là kháng sinh điều trị viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm họng; viêm phổi, viêm phế quản cấp, đợt cấp viêm phế quản mãn tính; viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo...

Còn thuốc  H-Capita 500mg Caplet là thuốc điều trị ung thư bị làm giả nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa kết quả kiểm nghiệm được công bố năm 2017, lô thuốc 9.300 hộp H-Capita có đủ 97% hàm lượng dược chất điều trị ung thư, nhưng có chứa 0,17 % tạp chất (vượt quá mức quy định) nên không đạt tiêu chuẩn chữa bệnh cho người. Rất may, số thuốc này đã bị bắt giữ niêm phong toàn bộ, chưa lưu hành trên thị trường.

Nếu được đưa ra thị trường, thuốc H- Capita 500mg Caplet sẽ được dùng cho các bệnh nhân ung thư vú, ung thư trực tràng.

Thuốc giả mà VN Pharma gian dối nguy hiểm đến mức nào? 

Về thuốc giả, PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV từng nhận định,  thuốc là sản phẩm đặc biệt, phải được sản xuất phải tuân thủ theo quy định, phải có công ty, có nhà máy đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), có hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc nộp lên cơ quan có thẩm quyền để chịu trách nhiệm hoàn toàn về thuốc đó.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Sự tàn nhẫn của thuốc giả - Ảnh 5.

Nguy hại của việc sử dụng thuốc giả là vô cùng to lớn. Ảnh minh họa Ispockphoto

Đằng này, thuốc H- Capita 500mg Caplet  là thuốc do một Công ty Ấn Độ sản xuất lại bị làm giả giấy tờ thành thuốc của một Công ty "ảo" ở Canada sản xuất. Như vậy sẽ chẳng ai chịu trách nhiệm nếu thuốc gây tác dụng phụ cho người bệnh.

Dù thuốc H- Capita 500mg Caplet  có đến 97% hoạt chất capecitabine (một hoạt chất có chức năng điều trị ung thư) nhưng không ai biết về nguồn gốc xuất xứ, về chất lượng về tác dụng phụ, độc chất có thể có..

Vụ việc khiến dư luận bức xúc vì người bệnh dùng phải thuốc giả sẽ chịu nhiều hậu quả lâu dài, thiệt hại cả về kinh tế lẫn sức khỏe,  thậm chí tính mạng.

Đối với bệnh nhân ung thư là những người bệnh nan y, đang cần thuốc để cứu mạng sống. Nếu dùng thuốc giả, không khác gì tước đoạt đi mạng sống của họ bằng cái giá cắt cổ khi bán thuốc ung thư giả đắt đỏ.

Bà Trần Thị M (Bình Lục, Hà Nam) là bệnh nhân đang điều trị ung thư vú chia sẻ: "Khi bị bệnh, chúng tôi đều đặt hy vọng sống vào từng viên thuốc, từng đợt xạ trị. Nhưng nếu chẳng may thuốc giả bị tuồn vào bệnh viện, chúng tôi không biết mà sử dụng thì chẳng khác nào "tự nộp mạng" cho thần Chết. Còn gì bất nhẫn hơn khi tước đi mạng sống, tước đi hy vọng của những người đang muốn sống". 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Sự tàn nhẫn của thuốc giả - Ảnh 6.

Thuốc là hy vọng sống và sống khỏe của các bệnh nhân. Ảnh minh họa Ispockphoto

Một bác sĩ phân tích, nếu dùng phải các loại kháng sinh giả liên quan đến vụ án mà Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố, người bệnh không khỏi bệnh mà còn dẫn đến nhờn thuốc, kháng kháng sinh, phải điều trị lâu ngày, mua thuốc đắt hơn, tốn kém hơn vài chục lần so với người không kháng kháng sinh.

Điều này có thể gây thất thoát lớn về Quỹ BHYT, tiền túi của người dân đồng thời đặt người bệnh vào nguy cơ tử vong cao nếu bị mắc các bệnh hiểm nghèo mà không có kháng sinh để chữa.

Còn đối với thuốc điều trị ung thư, bác sĩ này cũng nhận định, thuốc giả là con dao chí mạng đối với bệnh nhân ung thư. Họ là những người bệnh nặng, bệnh nan y buộc phải được điều trị bằng thuốc, hóa chất mới có thể cứu vãn được sự sống. Mọi sự chậm trễ điều trị đều gây nguy hại cho sức khỏe của bệnh nhân ung thư.

"Nếu thuốc giả có độc chất thì sẽ giết chết họ nhanh hơn. Còn thuốc giả chỉ như "bột mì" thì cũng sẽ tước đoạt đi thời gian vàng chữa bệnh của họ. Còn thuốc giả là thuốc kém chất lượng sẽ không đủ hàm lượng tá dược cần thiết để tiêu diệt tế bào ung thư, thậm chí còn dẫn đến tính nhờn thuốc.

Khi đó, bệnh nhân dùng bao nhiêu thuốc cũng không thể tiêu diệt tế bào ung thư, khiến tế bào ung thư lây lan, di căn sang nhiều bộ phận khác. Thuốc giả chính là cách đẩy bệnh nhân đến chỗ chết nhanh hơn", vị bác sĩ này chia sẻ.