Ghi nhận của PV Dân Việt trong một số buổi sáng vừa qua, tại chốt kiểm soát dịch cửa ô Hoà Phước (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) lượng người, phương tiện đổ về vẫn khá đông.
Theo quy định mới, người dân, phương tiện khi ra, vào Đà Nẵng phải dừng lại để khai báo y tế, quét mã QR qua ứng dụng Danang Smart City, web khaibaoyte.danang.gov.vn hoặc khai báo qua Tổng đài 1022 Đà Nẵng. Thời gian và thủ tục được các cán bộ trực chốt giải quyết rất nhanh, gọn.
Tuy nhiên thực tế vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ kéo dài tại chốt kiểm dịch do nhiều người vẫn chưa nắm rõ quy định về khai báo y tế, quét mã QR qua các ứng dụng.
Nhiều người khi đến chốt khi biết yêu cầu mới mở điện thoại để tải một trong các ứng dụng trên. Cạnh đó nhiều người mang theo các giấy tờ xét nghiệm âm tính, phiếu thể hiện đã tiêm 1-2 mũi vaccine để khai báo y tế bằng bản giấy trực tiếp khiến cho thời gian khai báo của mỗi người kéo dài, gây nên tình trạng ùn tắc.
Chị Nguyễn Thanh Hà (Quảng Nam) chia sẻ: "Tôi đã khai báo y tế tại địa phương nhưng đến Đà Nẵng phải khai báo lại vì mã QR không hợp lệ. Quá trình khai báo y tế thì nhanh nhưng đến mỗi nơi lại khai báo mỗi kiểu thì rất bất tiện".
Lực lượng trực chốt cho hay dù đã nới lỏng, việc đi lại dễ dàng, không yêu cầu xét nghiệm nhưng ở chốt vẫn thực hiện kỹ bước sàng lọc.
"Có nhiều trường hợp thắc mắc vì sao khi đến Đà Nẵng phải thực hiện khai báo y tế lại trong khi trước đó đã khai báo y tế rồi, nhưng chúng tôi vẫn phải yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định của thành phố", một cán bộ trực chốt nói.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", UBND TP.Đà Nẵng thống nhất chỉ đạo một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với những người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương khác.
Cụ thể, trước khi đến/về Đà Nẵng, người dân phải thực hiện đăng ký trên hệ thống trực tuyến của quốc gia hoặc của Đà Nẵng (ứng dụng Danang Smart City, vào mục "Đăng ký vào thành phố Đà Nẵng" hoặc vào trang https://khaibaoyte.danang.gov.vn, vào mục "Người dân khai báo, đăng ký vào thành phố Đà Nẵng") và lưu lại mã QR được cấp bằng hình ảnh trên điện thoại di động hoặc in trên giấy để sử dụng khi di chuyển đến/về Đà Nẵng.
Đồng thời, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Bộ Y tế và Đà Nẵng. Khi đến chốt kiểm soát dịch của Đà Nẵng, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác,...), phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm (không thu phí) trước khi vào Thành phố.
Đối với người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định cấp độ dịch ở cấp 1, cấp 2, phải tự theo dõi sức khỏe và thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định hiện hành.
Trường hợp người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định cấp độ dịch ở cấp 3, phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến Đà Nẵng. Nếu chưa có kết quả xét nghiệm khi vào thành phố, phải tự trả phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch. Người dân ở các địa phương cấp độ 3 đến Đà Nẵng sẽ không thực hiện cách ly mà tự theo dõi sức khỏe và thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo các quy định hiện hành.
Đối với người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định ở cấp độ 4 và các vùng cách ly y tế (phong tỏa), phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi đến Đà Nẵng. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, nếu có nhu cầu vào thành phố, phải tự trả phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch.
Người đến/về Đà Nẵng từ các địa phương được xác định ở cấp độ 4 và các vùng cách ly y tế (phong toả), nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19, phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về thành phố; lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.
Đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến về thành phố; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Trường hợp không bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 để cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại khách sạn có thu phí.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Dân Việt tại một số tỉnh Tây Bắc, tình hình tại các chốt kiểm soát đều khá thông thoáng. Như tại Lai Châu hiện trên địa bàn tỉnh có 4 chốt kiểm soát dịch Covid-19, đặt tại các lối ra, vào địa bàn. Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Lai Châu, không quản ngại khó khăn, vất vả, thường xuyên túc trực kiểm soát, hướng dẫn người ra, vào tỉnh thực hiện khai báo y tế.
Theo ông Bùi Tiến Thanh – Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, tỉnh đang thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đối với người từ vùng cấp độ 4 hoặc vùng đang thực hiện cách ly y tế phải có phiếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Trường hợp đặc biệt có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh và phải thực hiện ngay xét nghiệm bằng phương pháp RT - PCR khi vào đến khu cách ly hoặc về đến địa phương (do Ban Chỉ đạo huyện có chốt Kiểm soát Covid-19 quyết định).
Đối với người đến/về từ vùng 1, 2, 3 khuyến khích có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn giá trị trong vòng 72 giờ. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lai Châu cũng đã thống nhất chủ trương sử dụng ứng dụng PC – Covid tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, để quản lý người ra, vào tỉnh.
Còn tại Hòa Bình, người dân đến và ra vào tỉnh đều đi lại bình thường, không cần phải test nhanh hay xét nghiệm RT - PCR. Người dân chỉ cần khai báo y tế đi từ đâu về và đến địa điểm nào là có thể qua chốt kiểm soát. Đến thời điểm hiện tại, Hòa BÌnh vẫn chưa có văn bản chỉ đạo mới về kiểm soát người dân ra vào thành phố. Tương tự, tại Sơn La, Điện Biên, tình hình cũng tương tự...