Đồ gốm sứ Benjarong được tô điểm bằng từ 3 đến 8 màu (vàng cũng được sử dụng) theo cách tô riêng, sản phẩm được nung sau khi tô từng màu. (Ảnh: thailandtourismdirectory.go.th)
Tên gọi Benjarong theo nghĩa đen trong tiếng Thái Lan có nghĩa là "5 màu", nhưng trên thực tế gốm sứ Benjarong có thể được tô điểm bằng từ 3 đến 8 màu. Quá trình chế tác vô cùng tỉ mỉ với mỗi màu được tô riêng, sản phẩm được nung sau khi tô từng màu. Vàng cũng được sử dụng để làm nổi bật thêm đồ sứ Benjarong. Quá trình nung làm sáng sáng sắc màu và tăng thêm vẻ đẹp của của thành phẩm.
Thời trước Covid-19, gần 100 nghệ nhân làng Don Kai Dee thường đón hàng trăm khách du lịch mỗi tuần tới tìm hiểu nét văn hóa truyền thống nổi tiếng này của Thái Lan, đồng thời trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng làng nghề. (Ảnh: thailandtourismdirectory.go.th)
Thời hoàng kim của gốm sứ Benjarong là từ thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 19, Hoàng gia Thái Lan thường dùng bữa với các loại món ăn đựng bằng đồ sứ Benjarong, đem lại cho loại gốm sứ đặc sắc này danh hiệu "báu vật" Hoàng gia Thái Lan.
Trong khi giới phụ nữ giàu có Thái Lan thường cất đồ trang sức quý giá trong loại hộp làm bằng gốm Benjarong. Tại các cung điện ở Bangkok cũng trưng bày những chiếc bình sứ Benjarong cao tuyệt đẹp.
Khách du lịch trải nghiệm cách làm đồ gốm sứ Benjarong tại làng nghề Don Kai Dee. (Ảnh: thailandtourismdirectory.go.th)
Có lẽ không nhiều khách du lịch tới Thủ đô Bangkok biết rằng một trong những địa danh nổi tiếng nhất Bangkok là ngôi chùa Wat Arun cổ kính lấp lánh huyền ảo trong ánh hoàng hôn, là nhờ những bảo tháp được trang trí bằng các bức tranh khảm sứ Benjarong độc đáo.
Chất liệu sứ Benjarong tráng lệ còn được dùng để trang trí hành lang các khách sạn 5 sao, hoặc sử dụng để phục vụ bữa tối tại các nhà hàng cao cấp ở Bangkok.
Rất nhiều du khách đã bày tỏ thích thú khi được dẫn tới điểm đến độc đáo - làng nghề chế tác báu vật của Hoàng gia Thái Lan, nơi đã ra đời những sản phẩm gốm sứ kiệt tác.
Chùa Wat Arun cổ kính tại Bangkok lấp lánh huyền ảo trong ánh hoàng hôn, là nhờ những bảo tháp được trang trí bằng các bức tranh khảm sứ Benjarong độc đáo. (Ảnh: livingasean)
Từ đầu những năm 1900 nhiều ngôi chùa Phật giáo quan trọng của Bangkok bắt đầu được tôn tạo và trang trí bằng những bức tranh khảm làm từ mảnh gốm sứ Benjarong. Loại gốm sứ Benjarong quý hiếm này sau đó được sản xuất rộng rãi hơn nên công chúng cũng có thể sử dụng. Bởi thế gốm sứ Benjarong không còn được ưa chuộng như trước, dẫn tới ngành sản xuất gốm sứ Benjarong mai một dần và rơi vào tình cảnh ngừng hoạt động suốt nhiều năm.
Nhóm khách du lịch nước ngoài đầu tiên đến sân bay Suvarnabhumi hôm 1/11 - ngày đầu tiên Thái Lan mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế miễn kiểm dịch, sau thành công của sáng kiến Hộp cát Phuket (Phuket sandbox). (Ảnh: Reuters)
Đồ gốm sứ Benjarong sẽ chỉ tồn tại như những món đồ cổ nếu không có các nghệ nhân ở làng nghề Don Kai Dee cách Bangkok khoảng 25km về phía tây, đã cố gắng tìm cơ hội để hồi sinh loại hình nghệ thuật truyền thống quý giá này.
Kể từ thập niên 1980 họ tìm cách phát triển trở lại các sản phẩm theo đúng truyền thống – điều được ông Atthasit Sukkham, trợ lý giám tuyển của Bảo tàng gốm sứ Đông Nam Á tại đại học Bangkok - nhấn mạnh là "nguồn duy nhất của Benjarong đích thực".
Khách du lịch Thái Lan tham quan Cung Hoàng gia tại Thủ đô Bangkok hôm 1/11. (Ảnh: AFP)
Sau thời gian bị ngưng trệ do Covid-19, nay các nghệ nhân làng Don Kai Dee đang đặt nhiều hy vọng vào cơ hội mới để tiếp tục đưa loại hình gốm sứ Benjarong được mệnh danh là "báu vật Hoàng gia Thái Lan" vươn ra thế giới, sau khi Thái Lan mở cửa trở lại với du lịch quốc tế từ ngày 1/11.