Ngày 8/11, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại Tịnh Thất Bồng Lai (Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để tìm hiểu cuộc sống hiện tại của những người trong tịnh thất, sau những sự cố thời gian qua.
Cận cảnh Tịnh thất Bồng Lai. Clip ghi lại trưa 8/11. Clip: Mỹ Quỳnh.
Theo quan sát, tất cả các cánh cổng đều cửa đóng then cài. Dù cố gắng gọi cửa, bên trong vẫn im ắng không có bất cứ động thái nào. Phía ngoài, thi thoảng lại có một Youtuber đến phát sóng trực tiếp hoặc vài bạn trẻ đến chụp ảnh check in.
"Mấy năm về trước, thời điểm 5 chú tiểu đạt giải ở cuộc thi "Thách thức danh hài" thì cơ sở này có mở cửa đón khách. Lúc đó, có ngày vài lượt khách đến, có những ngày lên đến vài chục lượt. Tuy nhiên, kể từ khi những lùm xùm không hay về quan hệ huyết thống bên trong tịnh thất, nơi này đóng cửa hẳn" - một người dân sống gần tịnh thất cho biết.
Ngoài ra, người này cũng cho biết thêm, về cuộc sống hằng ngày thì bên tịnh thất thi thoảng, có người ra ngoài để đi mua thực phẩm, đồ dùng… nhưng đóng cửa và rời đi rất nhanh. Các chú tiểu cũng học online tại nhà nên không thấy xuất hiện như trước nữa. Nói chung, họ không giao lưu, tiếp xúc với người dân bên ngoài, mà người dân cũng không có cơ hội để tiếp cận bên trong".
Một người đàn ông cũng sống gần đây ái ngại bày tỏ: Rút kinh nghiệm "xương máu" của nhiều người đi trước nên không dám phát ngôn, đưa ra ý kiến của mình về tịnh thất, dù có biết "sơ sơ". Theo ông, nhiều người dân ở đây sau khi trả lời báo chí đã bị nhóm người vào thẳng trang cá nhân (facebook) để hăm dọa, tấn công.
"Chúng tôi sợ việc nói lên ý kiến sẽ gặp phải rắc rối không đáng có. Nhiều người đã bị nhắn tin hù, dọa sẽ đến tận nhà để làm cho ra lẽ, vì trả lời báo chí về Tịnh Thất Bồng Lai. Do đó, có biết cũng không nói cho yên thân", ông đàn ông nói với PV.
Vẫn theo người đàn ông này, trong khu vực, chỉ có người thợ hồ thường xuyên vào bên trong để làm việc. Thời gian gần đây, ngày nào người thợ hồ này cũng có mặt ở bên trong tịnh thất có thể sẽ nắm rõ được nội tình bên trong.
Khi phóng viên tiếp cận người thợ hồ đang sửa chữa tại bờ tường bên trong tịnh thất, người này cho hay: "Tôi làm ở đây đã nhiều ngày và hiện tại bên trong không có ai. Tôi không có quyền mở cửa vì tôi chỉ là người làm thuê".
Phóng viên xin số điện thoại người đại diện bên trong tịnh thất để có thể mở cửa tiếp chuyện nhưng người thợ hồ này từ chối thẳng thừng.
Đến trực tiếp tại UBND xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa tỉnh Long An), tại đây một vị Phó Chủ tịch nói: "Hiện tại, quyền phát ngôn do Chủ tịch. Tôi không có quyền được phát biểu với báo chí". Liên hệ với Chủ tịch xã Hòa Khánh Tây qua điện thoại, vị này cho biết, đang bị ốm và hẹn với phóng viên vài ngày tới khi sức khỏe ổn định sẽ có câu trả lời.
Vài ngày trước, bà Nguyễn Phương Hằng CEO Đại Nam (Bình Dương) livestream trực tiếp trên mạng xã hội và khẳng định sẽ tìm đến ông Lê Tùng Vân (người đại diện Tinh Thất Bồng Lai) để làm sáng tỏ về mối quan hệ giữa ông Vân với những người sống trong tịnh thất; cũng như ông Lê Thanh Minh Tùng, một người tự nhận là đứa con do ông Lê Tùng Vân quan hệ bất chính với người em gái của mình sinh ra (?).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở trên có một số sai phạm như: các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn; bà Cao Thị Cúc là chủ cơ sở trên đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; UBND xã cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục tình trạng ban đầu của đất.
Tại hộ của bà Cúc có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cúc xác định sống với mẹ ruột và 2 trẻ được nhận nuôi từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, do đó UBND xã chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi. UBND huyện Đức Hòa đang tiếp tục làm việc với những phụ nữ có con ở cơ sở trên để làm rõ thêm những nội dung liên quan.
Việc chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng tại cơ sở trên, theo ông Trọng, thì bếp ăn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo", ông Trọng nói và khẳng định sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng tỉnh Long An xác minh, làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định.