Tịnh Thất Bồng Lai có dấu hiệu trục lợi từ thiện, thờ tự bất hợp pháp: Có thể đóng cửa?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 06/11/2021 11:08 AM (GMT+7)
Các chuyên gia pháp lý đã có những phân tích liên quan đến sự việc Tịnh Thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền Am bên bờ vũ trụ (huyện Đức Hòa, Long An) bị xác định có dấu hiệu vi phạm, lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Bình luận 0


Tịnh Thất Bồng Lai vi phạm quy định tại Luật tín ngưỡng tôn giáo

Theo thông tin mới nhất về Tịnh Thất Bồng Lai (sau này đổi tên thành Thiền Am bên bờ vũ trụ), đây là cơ sở do bà Cao Thị Cúc xây dựng. Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ)  thông tin: Đây là cơ sở thờ tự bất hợp pháp, có dấu hiệu trục lợi từ thiện.

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường đã có phân tích dưới góc độ pháp lý về dấu hiệu vi phạm ở Tịnh Thất Bồng Lai.

Tịnh Thất Bồng Lai có dấu trục lợi từ thiện, thờ tự bất hợp pháp sẽ bị xử lý thế nào?  - Ảnh 1.

Tịnh Thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền Am bên bờ vũ trụ được xác định có nhiều vi phạm. Ảnh: KM.

Tiến sĩ Cường cho biết, hoạt động từ thiện được thực hiện trên cơ sở đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. 

Những hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là những hành vi đáng lên án, làm suy thoái đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến niềm tin của con người vào lòng tốt và sự tử tế. 

Bởi vậy hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật.

Ngoài ra, hành vi lập các cơ sở thờ tự, tôn giáo trái phép của Tịnh Thất Bồng Lai là vi phạm quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo. 

Nếu hành vi này là cái vỏ bọc che đậy cho việc nhận tiền từ các nhà hảo tâm, đây là một thủ đoạn để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng cần làm rõ sự việc này để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Giáo hội phật giáo sẽ yêu cầu chính quyền địa phương thông tin công khai của hoạt động cơ sở tôn giáo trá hình của Tịnh Thất Bồng Lai, đồng thời sẽ áp dụng các hình thức xử phạt hành chính liên quan đến hành vi vi phạm tín ngưỡng tôn giáo.

Theo Tiến sĩ Cường, đối với hành vi đưa tin sai sự thật để nhận tiền của người khác từ 2 triệu đồng trở lên, có thể xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu nhận tiền từ thiện nhưng sử dụng bất hợp pháp hoặc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện, cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 nếu số tiền chiếm đoạt từ 4 triệu đồng trở lên

Trường hợp có hành vi quan hệ tình dục giữa những người cùng dòng máu ba đời về trực hệ cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Loạn luân theo quy định của Bộ luật hình sự.

Tất cả những vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Các cơ sở tôn giáo hoạt động bất hợp pháp, lợi dụng hoạt động tôn giáo, nuôi trẻ em để trục lợi đều cần phải được phanh phui, bị lên án và xử lý bằng các chế tài của pháp luật.

Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ sai phạm Tịnh Thất Bồng Lai. Trường hợp đã kết luận là có sai phạm, cần phải áp dụng biện pháp xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. 

Sự việc này nếu không xử lý kịp thời sẽ gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở tôn giáo và quyền lợi hợp pháp của nhiều người.

Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương vì sao lại để cơ sở bất hợp pháp này hoạt động nhiều năm, đã từng được xác định có vi phạm nhưng lại không được xử lý dứt điểm.

Sự thật về Tịnh Thất Bồng Lai

Như Dân Việt đã thông tin, trong buổi họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Long An) đề nghị xác minh Tịnh Thất Bồng Lai.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trao đổi với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì nhận được khẳng định, "Tịnh Thất Bồng Lai" không phải là cơ sở tôn giáo hợp pháp. Cùng với đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị tỉnh Long An xác minh, xử lý cơ sở trên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ sở trên có một số sai phạm, như: Các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn.

Bà Cao Thị Cúc là chủ cơ sở trên, đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. UBND xã Hòa Khánh Tây cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.

Theo Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, tại hộ bà Cúc có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ được bà Cúc xác định sống với mẹ ruột và 2 trẻ được nhận nuôi từ 2019 đến nay.

Trong đó có 6 đứa trẻ có tổng cộng 3 người mẹ ruột đang sinh sống cùng, trong giấy tờ, phần tên cha để trống. Thực tế khi làm việc với cơ quan chức năng, những người mẹ này có tường trình, vì lý do cá nhân nên không cho các bé biết mình là mẹ ruột, dù đang chung sống một nhà.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Trọng thông tin, việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, do đó UBND xã Hòa Khánh Tây chưa thống nhất để bà Cúc nhận con nuôi. Hiện, UBND huyện Đức Hòa tiếp tục làm việc với những phụ nữ có con ở cơ sở trên để làm rõ thêm những nội dung liên quan.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, chủ trì tại nơi tự xưng là "Tịnh thất Bồng Lai" này là ông Lê Tùng Vân, người tự xưng là Hòa Thượng, nhưng theo các cơ quan chức năng tỉnh Long An, đây chỉ là hình thức giả sư.

"Vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo", ông Nguyễn Tiến Trọng nói và khẳng định, sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng tỉnh Long An xác minh, làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem