Chiều 8/11, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM đã chủ trì buổi làm việc giữa Ban văn hóa - xã hội (HĐND TP.HCM) và Sở GD-ĐT TP.HCM về nhiều nội dung đang được dư luận xã hội quan tâm.
Trong đó, bao gồm lộ trình tổ chức cho học sinh trở lại trường học, hiệu quả triển khai dạy học trực tuyến, mức thu học phí tại các trường công lập, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường ngoài công lập...
Sở GDĐT TP.HCM cho biết đang xây dựng các phương án sẵn sàng để đón học sinh tới trường. Nguyên tắc là UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục hoạt động theo cấp độ dịch của phường/xã/thị trấn nơi trường trú đóng. Các đơn vị cần chủ động chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hàng tuần, do TP.HCM công bố theo quy định. Ngoài ra, phải thực hiện đánh giá công tác an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục.
Dự kiến, vào ngày 8/12, các trường sẽ tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới; ngày 9/12, tổ chức họp phụ huynh học sinh. Ngày 10/12, học sinh trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM nhấn mạnh, đây chỉ là phương án, còn ngày giờ cụ thể phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và quyết định của UBND TP.HCM.
Đối với hình thức tổ chức dạy học sẽ phụ thuộc vào cấp độ dịch như phương án đã đề xuất trước đó.
Với địa phương cấp độ dịch 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình), trường học được dạy trực tiếp, không tổ chức hoạt động ngoài nhà trường. Trường muốn mở cửa phải đáp ứng bộ tiêu chí an toàn. Nhà trường cần chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh phức tạp.
Ở địa bàn cấp độ 3 (nguy cơ cao), việc học được tổ chức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, không có hoạt động ngoài lớp học. Tùy theo điều kiện thực tế, các quận, huyện và TP Thủ Đức quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Các khối 1, 2, 6, 9, 12 được ưu tiên. Các lớp học bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người.
Ở vùng dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), việc học diễn ra theo hình thức trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.
Với khối giáo dục mầm non, Phòng GDĐT các quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát số cơ sở đủ điều kiện đón trẻ đến trường. Địa phương phân công các trường mầm non công lập tiếp nhận trẻ khi trường ngoài công lập giải thể hoặc không có điều kiện hoạt động trở lại.
Giáo viên, nhân viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 ít nhất 14 ngày. Nhà trường thông báo cụ thể đến phụ huynh kế hoạch đón trẻ, cho trẻ làm quen với thầy cô, nhóm lớp qua các video để trẻ nhanh thích nghi môi trường mới. Với cấp tiểu học, các trường sẽ lên kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất sau khi được bàn giao.
Với cấp trung học, trường THCS, THPT tận dụng khoảng "thời gian vàng" khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh để học sinh học trực tiếp. Ban đầu, nhà trường dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, nâng dần thời gian học trực tiếp cho đến khi hoạt động giáo dục ổn định trở lại.
Những địa phương kiểm soát được dịch có thể chủ động báo cáo, đề xuất tổ chức dạy và học trực tiếp ngay trong học kỳ I khi đủ điều kiện.
Tính đến chiều 8/11, hơn 59% trong thành phố là vùng xanh. Gồm: TP.Thủ Đức, quận Gò Vấp, Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, 1, 4, 5, 6, 7, 8, 11, huyện Củ Chi. Vùng vàng gần 32% với các quận huyện: 3, 10, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Vùng cam hơn 9%, gồm hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ.
Toàn TP.HCM có 917 cơ sở trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Hiện đã có 670 cơ sở trường học được bàn giao, 247 cơ sở chưa được bàn giao. Trong đó, còn 1 trường học được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, tất cả cơ sở còn lại đều được mượn làm điểm tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh.