Dân Việt

Hoàng đế nhịn nhục nhất nhà Hán: Xây miếu cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ

Tịnh Tâm (theo Sohu) 09/11/2021 20:30 GMT+7
Sự nhẫn nhịn, chịu đựng hơn người đã giúp Lưu Tuân trở thành vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử nhà Hán (Trung Quốc).

Vương triều nhà Hán có tổng cộng 29 vị Hoàng đế, trong đó có những vị minh chủ anh minh như Lưu Bang, Lưu Triệt.

Tuy  nhiên, triều đại này cũng có những hoàng đế vô năng như Lưu Hạ. Nhưng nếu tìm hiểu sâu về cuộc đời của 29 vị hoàng đế nhà Hán, không khó để nhận ra rằng trong số họ, Hán Tuyên Đế Lưu Tuân là người đặc biệt nhất.

Ông nội của Lưu Tuân là Hán Vũ Đế Lưu Triệt bị gian thần chia rẽ, vì "án Vu Cổ" mà hạ lệnh đuổi cùng giết tận toàn bộ huyết mạch của con trai – cũng chính là bố của Lưu Tuân. Lưu Tuân khi ấy vẫn còn quấn tã nên may mắn thoát chết.

Nhưng sau khi Lưu Tuân lên ngôi, ông không chỉ xây đền miếu cho kẻ thù giết cha mà còn sửa lăng cho kẻ thù giết mẹ, sau cùng trở thành bậc thánh quân một thời. Vậy đầu đuôi sự việc là như thế nào?

Hoàng đế nhịn nhục nhất nhà Hán: Xây miếu cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ  - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Lưu Tuân trên phim truyền hình Trung Quốc.

1. HÁN PHẾ ĐẾ NẮM QUYỀN 27 NGÀY

Lưu Hạ bị xem là một trong những vị hoàng đế vô năng nhất trong số 29 đời hoàng đế nhà Hán. Ông ta cũng là vị hoàng đế có thời gian trị vì ngắn nhất trong số đó. Hơn nữa, việc Lưu Hạ có thể ngồi lên ngôi vị hoàng đế đều là nhờ vào người tiền nhiệm - Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng.

Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng là Hoàng đế thứ 8 của nhà Hán. Hán Vũ Đế vì vụ án Vu Cổ mà giết hại cả gia đình nguyên Thái tử Lưu Cứ, chỉ tha cho duy nhất Lưu Bệnh Dĩ – cũng chính là Lưu Tuân, khi ấy mới chỉ mấy tháng tuổi.

Về sau, Hán Vũ Đế nhận ra rằng con trai mình Lưu Phất Lăng tuy tuổi còn nhỏ nhưng tư chất thông minh hơn người, cơ thể khỏe mạnh nên muốn truyền lại ngôi vị cho hoàng tử này.

Hơn thế, bởi vì chuyện này Hán Vũ Đế còn cố tình ban chết cho mẹ ruột của Lưu Phất Lăng, đồng thời ngầm ám chỉ cho các quan đại thần, mở đường giúp Lưu Phất Lăng.

Sau khi Hán Vũ Đế bệnh nặng qua đời, Lưu Phất Lăng thừa kế ngôi vị. Khi ấy ông chỉ mới 8 tuổi, được Đại tướng quân Hoắc Quang phò tá.

Tuy rằng thời gian trị vì của Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng không dài, chỉ ngắn ngủi 13 năm nhưng trong thời gian này, có thể nói là ông đã dành trọn tâm huyết cho việc quốc gia đại sự.

Đặc biệt là sau khi Lưu Phất Lăng lên nắm quyền, ông đã cùng Đại tướng quân Hoắc Quang thực hiện rất nhiều điều có ích cho vương triều nhà Hán.

Hai người họ không chỉ chấn chỉnh lại đời sống của dân chúng, ổn định tình hình trong nước mà còn giúp vương triều nhà Hán đang bên bờ sụp đổ quay lại đúng quỹ đạo, mở ra thời kỳ "Chiêu Tuyên chi hưng".

Tuy nhiên, năm 74 trước công nguyên, khi mới 21 tuổi, Lưu Phất Lăng đã mắc bệnh nặng và qua đời. Vì ông không có con nối dõi cho nên việc quyết định người kế vị trở thành vấn đề khó khăn với các vị đại thần bấy giờ.

Hoàng đế nhịn nhục nhất nhà Hán: Xây miếu cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ  - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân vật Lưu Phất Lăng trên phim truyền hình Trung Quốc.

Nhà không thể một ngày không chủ, nước không thể một ngày thiếu vua. Vương triều nhà Hán không thể không có người đứng đầu. Nhưng trong tình cảnh như vậy, biết tìm ai để thừa kế ngôi vị?

Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, các vị đại thần đã chọn ra được một người phù hợp, người ấy chính là Xương Ấp Vương Lưu Hạ - cháu trai của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, con trai của Xương Ấp Vương Lưu Bác.

Lưu Hạ là kẻ không mang chí lớn, chỉ biết hưởng lạc, cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc có một ngày mình sẽ ngôi lên ngôi vị hoàng đế. Khi Hoắc Quang cho người đến mời Lưu Hạ, Lưu Hạ đã bị tin vui bất ngờ này làm cho mơ hồ, lập tức mang theo hơn 200 thuộc hạ cũ, lập tức vào cung.

Trên đường đi, Lưu Hạ cùng thuộc hạ nói cười vui vẻ, hứa hẹn nhiều điều. Thuộc hạ đi cùng cũng nói cười hùa theo, không có dáng vẻ của những trọng thần sắp phò tá tân hoàng đế.

Đây cũng là bước ngoặt mở ra thời gian 27 ngày làm hoàng đế của Lưu Hạ.

2. PHẾ LƯU HẠ, LẬP LƯU TUÂN

Sau khi Lưu Hạ lên ngôi liền lập tức phong chức, ban thưởng cho những thuộc hạ cũ đã theo mình, hoàn toàn không coi Hoắc Quang cùng các vị đại thần ra gì. Ông ta cũng không tiếp thu những ý kiến các vị đại thần đưa ra, chỉ đắm mình trong vui chơi, hưởng lạc.

Sự xuất hiện của Lưu Hạ không chỉ ảnh hưởng đến tình hình triều chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Hoắc Quang và các vị đại thần. Việc Lưu Hạ thỏa mái tự do phong chức tước cho các thuộc hạ cũ của mình đã trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của các lão thần trong triều.

Hoàng đế nhịn nhục nhất nhà Hán: Xây miếu cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ  - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân vật Lưu Hạ trên phim truyền hình Trung Quốc.

Các vị đại thần vì chuyện này cũng đã khuyên can rất nhiều nhưng Lưu Hạ lại chẳng hề nghe lọt tai. Cuối cùng, vì lợi ích của bản thân và lợi ích của cả triều đình, họ đã thống nhất quyết định phế truất Lưu Hạ.

Những người này hợp tác cùng Thượng Quan Thái hậu, khóa cửa cung, nhốt Lưu Hạ cùng các thuộc hạ cũ của ông ta lại. Trước mặt bá quan văn võ, một người đứng lên đại diện, tuyên đọc hơn 1200 việc làm sai của Lưu Hạ.

Mới chỉ lên ngôi 27 ngày mà đã làm sai nhiều chuyện như vậy, làm sao xứng đáng để làm vua một nước? Ngay tại thời điểm bị luận tội, Lưu Hạ chính thức bị Thượng Quan Thái hậu phế truất khỏi ngai vàng.

Lưu Hạ bị đưa trở lại Xương Ấp, còn những thuộc hạ cũ ông mang theo toàn bộ đều bị xử tử. Đến đây, Lưu Hạ cũng chấm dứt 27 ngày làm Hoàng đế của mình. Về sau, ông bị người đời đặt cho cái tên "Hán Phế Đế".

Sau khi tiễn Lưu Hạ đi, Hoắc Quang và các vị đại thần đều hướng đến Lưu Tuân. Lưu Tuân được khôi phục lại thân phận, là cháu trai dòng chính của Hán Vũ Đế, hơn nữa bên cạnh ông cũng không có thân tín, thế lực nên không làm ảnh hưởng đến các vị đại thần.

Tuy rằng chẳng được học hành nhiều nhưng lại biết nghe lời, đây chẳng phải là lựa chọn hoàn hảo cho vị trí hoàng đế bù nhìn?

Chính vì điều này nên nhóm người Hoắc Quang đã cử người đi đón Lưu Tuân – khi ấy vẫn sinh sống nơi phố chợ - vào cung, khôi phục thân phận hoàng thất rồi đưa ông lên ngai vàng.

Hoàng đế nhịn nhục nhất nhà Hán: Xây miếu cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ  - Ảnh 4.

Hình ảnh nhân vật Hoắc Quang trên phim truyền hình Trung Quốc.

3. NẰM GAI NẾM MẬT RỒI TRỞ THÀNH THÁNH QUÂN MỘT THỜI

Lưu Tuân khi ấy tuy đã ngồi lên ngai vàng nhưng giống như những gì Hoắc Quang tính toán, bên cạnh ông không có thân tín, chỉ có thể dựa vào Hoắc Quang.

Mọi chuyện lớn nhỏ trên triều Lưu Tuân đều báo cáo lại với Hoắc Quang rồi xin ý kiến, tất cả đều do Hoắc Quang quyết định.

Chỉ có duy nhất một việc Lưu Tuân làm trái ý Hoắc Quang đó là ông lập người vợ cả của mình làm hoàng hậu chứ không lập con gái Hoắc Quang làm hoàng hậu.

Nhưng cho dù có như vậy, Hoắc Quang vẫn bí mật cho người mưu sát vợ của Lưu Tuân.

Thù giết vợ có thể nói là không đội trời chung nhưng Lưu Tuân thì ngược lại, ông không những không tìm cách báo thù Hoắc Quang mà vẫn tiếp tục nghe theo Hoắc Quang như trước.

Trở thành Hoàng đế, việc đầu tiên Lưu Tuân tự mình quyết định đó là truy phong thụy hiệu cho cha mình – Thái tử Lưu Cứ, người đã bị Hán Vũ Đế giết oan. Không lâu sau đó, Lưu Tuân quyết định xây dựng đền miếu cho "kẻ thù giết cha mình" - Hán Vũ Đế.

Thời nhà Hán, việc xây miếu đền cho hoàng đế rất khó khăn. Nhưng không thể không nói rằng đây là việc đáng để Lưu Tuân làm. Bởi nó không chỉ phô trương thân phận con cháu Hán Vũ Đế của Lưu Tuân mà còn chứng minh cho mọi người thấy được, ông là một vị hoàng đế trung hiếu, nhân nghĩa.

Sau khi Hoắc Quang qua đời, thế lực của Lưu Tuân cũng đã phát triển ổn định. Tuy rằng vây cánh vẫn chưa hoàn toàn cứng cáp nhưng ông đã xóa được hình ảnh của một hoàng đế bù nhìn như xưa.

Hoàng đế nhịn nhục nhất nhà Hán: Xây miếu cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ  - Ảnh 5.

Hình ảnh nhân vật Lưu Tuân trên phim truyền hình Trung Quốc.

Lưu Tuân tổ chức tang lễ cho Hoắc Quang theo quy cách hoàng đế, cũng xây dựng lăng mộ cho Hoắc Quang theo lăng mộ hoàng gia.

Vài năm sau, con trai Hoắc Quang tự cho rằng bản thân có thể thay thế vị trí của Lưu Tuân, nên đã dấy binh bao vây Hoàng cung. Nhưng nào có ngờ, thế lực của Lưu Tuân khi ấy đã lớn mạnh, dễ dàng diệt trừ tận gốc dòng dõi của Hoắc Quang, chính thức nắm quyền điều hành triều chính.

Hán Tuyên Đế Lưu Tuân giúp nhà Hán mở rộng bờ cõi, cần cù tận tụy, dẹp yên phản loạn, giúp dân chúng được an cư lạc nghiệp. Vương triều được nghỉ ngơi dưỡng sức, nhờ vậy mà tiềm lực quốc gia đạt đến đỉnh cao, mở ra thời kỳ hoàng kim thịnh thế. Bản thân Hán Tuyên Đế cũng đã trở thành vị thánh quân, được lưu danh sử sách Trung Hoa.

Từ việc Hán Tuyên Đế xây miếu điện cho kẻ thù giết cha, xây lăng cho kẻ thù giết vợ, có thể thấy ông quả thực là một người có trí tuệ và phẩm chất hơn người.