Dân Việt

Kể chuyện làng: Níu giữ hồn làng

Lê Đình Trung 13/11/2021 06:00 GMT+7
Từ hàng ngàn năm nay, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành biểu tượng đặc trưng gắn liền với những ngôi làng truyền thống Việt Nam. Những hình ảnh khắc sâu trong tâm khảm của biết bao thế hệ sinh ra từ làng.
Kể chuyện làng: Níu giữ hồn làng - Ảnh 1.

Từ hàng ngàn năm nay, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành biểu tượng đặc trưng gắn liền với những ngôi làng truyền thống Việt Nam. Ảnh: Lê Đình Trung

Để rồi mỗi bận trên bước đường mưu sinh xa xứ vô tình bắt gặp đâu đó bóng dáng cây đa cổ thụ, bến nước với con đò khua chèo rẽ sóng hay sân đình phủ màu thời gian, lòng lại se sắt nỗi nhớ khôn nguôi về quê cha, đất mẹ. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hoá, nhiều làng quê không còn giữ được vẹn nguyên những nét đặc trưng này. Thế nhưng, chúng vẫn luôn là biểu trưng cho linh hồn làng quê, một nét gạch nối tiếp thu và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa để lại.

Mỗi lần về thăm nhà, suốt hành trình dài hàng trăm cây số lòng tôi cứ thấp thỏm đứng ngồi không yên. Đến tận khi nhìn thấy bóng cây đa thấp thoáng đằng xa nơi hoàng hôn buông nắng đỏ, tôi mới có cảm giác yên lòng vì mình đã về đến quê hương. Mới thở phào nhẹ nhõm bỏ lại sau lưng những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền để về với những thân thương một thời thơ ấu. Cây đa to sừng sững án ngữ ngay đầu làng, tỏa bóng mát xum xuê che chắn nắng mưa cho mái đình rêu đã phủ xanh trên những bức tường vôi bong tróc từng mảng.

Không ai biết chính xác nó có từ khi nào, đến cả những cao niên trong làng tuổi ngoài chín mươi, mái tóc bạc trắng như mây trời cũng lắc đầu. Cây đa hàng trăm năm tuổi cùng làng tôi đi qua bao binh biến, đổi thay của thời cuộc, là chứng nhân cho lịch sử phát triển của ngôi làng từ những ngày xa xưa cho đến nay. Tại gốc đa này bao lớp người ra đi cho cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê cha đất tổ. Bao giọt nước mắt tiễn đưa, bao ngóng trông của những người vợ, người mẹ thủy chung son sắt đợi chờ.

Bà tôi kể, năm đó ông bà vừa mới cưới nhau chưa được một tháng thì ông lên đường hành quân ra trận, dưới gốc đa ông bà bịn rịn chia tay trong nước mắt. Đôi khăn mùi xoa trắng có thêu hình đôi chim bồ câu là món quà trong ngày bà theo ông về nhà được chia nhau mỗi người một chiếc làm tín vật. Thấy khăn như thấy người, để vơi đi nỗi nhớ thương trong những tháng ngày cách trở chia xa.

Bố tôi ra đời trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc, bà mừng mừng tủi tủi bế đứa con còn đỏ hon trong căn hầm trú ẩn. Vừa nuôi con, vừa ngóng trông chồng trở về. Chẳng biết bao nhiêu chiều bà bế con ngồi dưới gốc đa ngóng trông về một miền xa ngái, cố mường tượng một bóng hình thân thuộc. Cho đến một ngày người ta mang về cho bà chiếc khăn mùi xoa đã nhuộm một màu đỏ tươi.

Đó là tất cả những gì đồng đội tìm thấy nơi ông nằm xuống trong một trận địch tập kích. Bà đổ gục bên gốc đa, nước mắt chảy dài, từng tiếng nấc nghẹn ngào, đôi mắt người góa phụ che phủ bởi một nỗi buồn mênh mang. Cũng tại gốc đa đó bà lại tiễn bố tôi lên đường vào miền Nam đánh đuổi quân thù. Ngày bố đi bà chỉ dặn, chừng nào hết giặc nhanh về, mẹ chờ con dưới gốc đa này.

Lời dặn dò của mẹ luôn là tiếng gọi thôi thúc, là động lực giúp bố vượt qua muôn vàn trắc trở nơi chiến trường bom đạn khốc liệt. Chiến tranh lấy đi cánh tay phải, nhưng bố vẫn giữ được lời hứa trở về với bà. Ngày bố về, nhìn dáng bà gầy gò, tay ôm đầu gối ngồi thu lu dưới gốc đa đầu làng ngó nhìn về nơi con đường phía trước, đôi mắt có lẽ đã kém đi nhiều nên chẳng nhận ra bố từ xa, bố òa khóc nức nở như đứa trẻ: "Mẹ ơi, con đã về đây!".

Kể chuyện làng: Níu giữ hồn làng - Ảnh 2.

Cây đa trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống sinh hoạt của người làng. Ảnh: Lê Đình Trung

Nghe tiếng bố, bà vội vàng đứng lên, chạy ngã sõng soài về phía trước, bố đỡ bà lên, thấy con trai chỉ còn một cánh tay nhưng bà không khóc, chỉ vỗ nhẹ vai bố, đi về thôi con. Ngoài bà ra, còn nhiều, nhiều lắm những người làng ngóng trông người thân nơi chiến trường trở về. Những người con của làng ra đi bảo vệ quê hương, có người may mắn trở về như bố, hay mãi nằm lại trong lòng đất mẹ như ông. Thế nhưng, tất cả họ đã hiến dâng hết mình, trọn vẹn nhất cho Tổ quốc quê hương, cho hòa bình, độc lập dân tộc. Công ơn của họ sẽ mãi được khắc ghi bởi thế hệ con cháu mai sau, như người làng vẫn trân trọng và gìn giữ gốc đa cổ thụ.

Chiến tranh qua đi, cây đa lại chứng kiến người làng, tay cấy, tay cày hăng say sản xuất, dựng xây quê hương. Dưới gốc đa những bận nghỉ ngơi giữa lúc đồng áng, bên cạnh bát nước chè xanh là bao câu chuyện làng, chuyện xóm, hỏi han và động viên nhau, những tiếng nói tiếng cười giòn giã xua đi những mệt nhoài của công việc.

Lũ trẻ con chúng tôi những trưa hè trốn ngủ thường rủ nhau ra gốc đa đánh đu bằng những cái rễ cây thòng lòng chạm đến cả mặt đất của cây đa để nô đùa. Mấy câu chuyện ma mấy đứa kể nhau nghe dưới gốc đa già trong những buổi tối trăng sáng đến tận bây giờ khi nhớ lại vẫn còn rờn rợn, chẳng thể quên. Cây đa trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống sinh hoạt của người làng tôi.

Trong lần xây dựng nông thôn mới, UBND xã xây dựng lại công sở, sửa chữa lại đường làng cho khang trang sạch đẹp. Thấy cây đa đứng chắn giữa đường nên đề xuất với bà con trong làng được chặt đi để con đường thêm tươm tất. Ý kiến vừa được đưa ra gặp ngay sự phản đối gay gắt từ dân làng, nên cây đa được để nguyên ở vị trí cũ.

Nhờ có sự đồng lòng của người dân mà cây đa vẫn được giữ gìn đến tận ngày nay, để mỗi người con đi xa mỗi lần trở về với quê hương bắt gặp hình ảnh cây đa như gặp lại tuổi thơ, như gặp lại người bạn thuở thơ ấu của mình. Sự phát triển văn minh hiện đại phải song hành cùng với việc bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Cây đa sẽ mãi là nét đẹp văn hóa, là điểm tựa tinh thần của làng quê Việt. Để dù đi đâu về đâu ai cũng phải nhớ về, tình yêu thương với quê hương đất nước bất diệt của mỗi người con đất Việt được hun đúc từ những điều bình dị như thế.