Clip: Cuộc sống lênh đênh kiếp vạn chài Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh).
Người dân thuộc xóm vạn chài Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) không còn nhớ kiếp sống lênh đênh trên sông từ khi nào. Chỉ biết rằng, các thế hệ người dân nơi đây khi sinh ra đã thấy ông, cha mình có cuộc sống như vậy.
Cuộc đời gắn với sông nước nên nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây phụ thuộc vào nghề giăng lưới bắt cá, sau đó bán đổi lấy gạo, rau và các vật dụng để phục vụ cuộc sống cơ bản.
Hiện nay, xóm vạn chài Tiền Phong có 90 hộ dân với khoảng gần 300 nhân khẩu, nhưng vẫn còn 33 hộ gia đình sống tạm bợ dưới sông trên những chiếc thuyền chỉ rộng khoảng 15m2.
Những chiếc thuyền nhỏ được đúc bằng bê tông, phía trên lợp bằng tôn là ngôi "nhà di động" bấp bênh, nguy hiểm của hàng chục hộ dân nơi đây.
Gia đình nhiều đời sống trên sông nước, hiểu được khó khăn, thiếu thốn, anh Ngô Văn Hiệp (SN 1975, trú tại xóm vạn chài Tiền Phong, xã Quang Vĩnh), nói: "Chúng tôi từ đời ông, đời cha đều sinh sống dưới sông trên thuyền, tới tôi là thế hệ thứ 4. Kinh tế phụ thuộc vào đánh bắt cá trên sông, nhưng cá, tôm ngày càng ít đi, khiến thu nhập của gia đình không ổn định".
Năm 2004, tôi lập gia đình, chuyển ra ở riêng trên chiếc thuyền rộng 2m, dài khoảng 8m có giá trị khoảng 6 triệu đồng. Hiện nay, gia đình nhỏ của tôi có 5 thành viên nhưng phải sinh hoạt, tắm giặt, nấu nướng… trong chiếc thuyền nhỏ, rất bất tiện".
Không có điện lưới, ngư dân xóm vạn chài Tiền Phong phải dùng bình ắc quy để thắp sáng, mỗi lần lên bờ nạp ắc quy tốn 20.000đồng/lượt, dùng trong khoảng 7-10 ngày. Nguồn điện từ ắc quy có hạn, các hộ dân chỉ dùng 1 bóng đèn để thắp sáng mà không có thêm các thiết bị khác như: quạt, tivi, nồi cơm điện…
Để tiết kiệm điện, ngư dân tranh thủ ăn trưa vào lúc khoảng 9h sáng, ăn tối vào 16h chiều và buổi tối họ sẽ đi ngủ sớm. Mùa hè, sau khi ăn cơm buổi sáng cả gia đình phải đi lên bờ ngồi dưới gốc cây tránh nắng nóng, đến lúc mặt trời tắt nắng mới xuống thuyền lại.
Chị Cao Thị Ngại (SN 1984, vợ anh Hiệp) chia sẻ: "Tôi mới sinh con được 15 ngày, chăm sóc bé trong điều kiện thiếu thốn, khổ sở. Thời điểm này, mùa lạnh, ở thuyền không có vật che chắn nên cháu rất lạnh, nhiều hôm cháu tỉnh dậy quấy khóc cả đêm. Mưa nhiều khiến quần áo, tã, đồ dùng… của bé thường xuyên bị ướt, không có đồ thay".
Đang ngồi tranh thủ học bài lúc trời còn sáng, em Ngô Thị Huyền Trâm (con gái anh Hiệp) học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Quang Vĩnh, nói: "Em tranh thủ lúc trời còn sáng để làm bài tập, tối đến sẽ không học được vì ánh sáng yếu. Em ước mơ mình cũng có nhà trên đất liền giống các bạn, khi trời mưa bão nhà không dột nước như thuyền của nhà em".
Lên bờ là khát khao của những ngư dân sống lênh đênh trên thuyền từ bao đời nay. Họ hy vọng có được "mảnh đất cắm dùi", thay đổi cuộc sống bấp bênh hiện tại và mong muốn con cái mình có môi trường học tập tốt hơn để bớt khó khăn, gánh nặng trong tương lai.
Anh Ngô Văn Hiệp tâm sự: "Vợ chồng chúng tôi sống lênh đênh trên thuyền gần hết đời người, thu nhập bấp bênh ước mơ lên bờ là khát khao cháy bỏng. Điều khiến tôi lo lắng về tương lai của 3 đứa con, tôi không muốn cuộc sống chúng bấp bênh, tạm bợ như chúng tôi nữa. Các con tôi quá thiệt thòi so với những đứa trẻ trên đất liền".
"Vì kinh tế khó khăn, con trai đầu tôi là Ngô Văn Thuần (SN 2004) phải nghỉ học từ năm lớp 4 để phụ giúp gia đình đánh cá. Còn các em ngoài giờ đến trường, cũng phải theo bố chèo thuyền, bắt cá. Nhiều hôm trời mưa, sách vở cháu bị ướt hết. Trên thuyền chật chội cũng không đủ ánh sáng, dụng cụ học tập để con học bài"- anh Hiệp nghẹn lòng nói.
Cách nơi neo đậu chiếc thuyền của anh Hiệp khoảng 30m, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, SN 1975 và chị Trương Thị Nhật, SN 1983 với 5 người con phải trú ngụ trên chiếc thuyền nhỏ bé, chật hẹp chỉ rộng hơn 1,5m và dài 5m. Ban ngày cả nhà sinh hoạt chung trên chiếc thuyền bé nhỏ, tối đến chị Nhật phải đưa các con mình đến nhà người thân ngủ nhờ.
"Cuộc sống mưu sinh trên sông nước chênh vênh, nguy hiểm lắm, mùa mưa bão đến đe dọa đến tính mạng. Chúng tôi mong muốn được lên bờ để các con được an toàn và có tương lai tốt đẹp hơn"- chị Nhật bày tỏ.
Sau hàng chục năm sống tạm bợ, lênh đênh trên sông nước, ngư dân dân xóm vạn đò Tiền Phong đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Công trình là do các cơ quan chức năng cấp tỉnh sau khi đi khảo sát thực tế và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, công trình có mức đầu tư là 7,9 tỷ đồng sẽ xây dựng khu nhà ở kết hợp tránh trú bão lụt liền kề gồm 24 căn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh, cho biết: "Xóm vạn chài Tiền Phong trước đây là hợp tác xã vận tải, sau này giải thể và thành lập xóm Tiền Phong. Bà con ở đây mưu sinh bằng nghề sông nước nhưng nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt nên kinh tế của các hộ dân không ổn định. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần đề xuất với các ban ngành cấp trên quan tâm bố trí khu tái định cư, đảm bảo cuộc sống cho người dân xóm vạn chài Tiền Phong".
"Nhận được sự quan tâm của của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện và đầu tư các tổ chức, doanh nghiệp nên công trình nhà ở kết hợp tránh trú bão lụt liền kề gồm 24 căn đã được khởi công từ ngày 3/11. Dự án nằm trên đất quy hoạch 1,5 ha tại xóm Tiền Phong, xã Quang Vĩnh"- ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh.