Phút 17 ở trận gặp Nhật Bản, Văn Thanh dâng cao, không kịp lùi về để ngăn cản Takumi Minamino băng xuống. Trong vùng cấm, Hồng Duy không bắt kịp tốc độ của Junya Ito, để cầu thủ này mở tỷ số trận đấu. Không lâu sau, Văn Thanh bị chính Ito "vặn sườn" một cách dễ dàng. Sau đó, Ito dứt điểm tung nóc lưới của thủ môn Tấn Trường nhưng may mắn cho ĐT Việt Nam là bàn thắng không được công nhận.
Đó là những khoảnh khắc cho thấy khu vực biên của ĐT Việt Nam đang bị khai thác rất nhiều.
Ở trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Ả Rập Xê-út đã khai thác rất nhiều ở 2 hành lang biên nhờ các cầu thủ giàu tốc độ như Fahad Al Muwallad, Salem Al Dawsari. Bên cạnh đó, 2 hậu vệ cánh là Sultan Al Ghannam và Yasir Al Shahrani cũng hỗ trợ tích cực.
Tỷ lệ triển khai tấn công ở cánh trái, cánh phải và trung lộ của Ả Rập Xê-út lần lượt là 34,3%, 41,1% và 24%. Điều này mang lại hiệu quả. Cả 3 bàn thắng của Ả Rập Xê-út đều xuất phát từ những tình huống đưa bóng xuống biên.
Sau đó, những đối thủ còn lại của ĐT Việt Nam nhận ra 2 cánh là điểm yếu trong sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo. ĐT Australia có tỷ lệ triển khai tấn công trung lộ chỉ là 20,7%, gần 80% còn lại chia đều cho 2 biên.
Trong khi đó, ĐT Trung Quốc và Oman đều có tỷ lệ triển khai bóng ra cánh trái hơn 51%. ĐT Nhật Bản có tỷ lệ tấn công 2 cánh lần lượt là 41,2% và 41,9%.
Ba đội bóng đang dẫn đầu bảng B là Ả Rập Xê-út, Australia và Nhật Bản có lực lượng đồng đều ở 2 cánh nên họ triển khai tấn công biên khá đều. Trong khi đó, Trung Quốc và Oman tập trung khai thác ở khu vực họ mạnh nhất. Điểm chung của 5 đội bóng này là đều tấn công biên hiệu quả và giành được chiến thắng trước ĐT Việt Nam.
Sau 5 trận đấu, ĐT Việt Nam nhận 11 bàn thua, 7 trong số đó xuất phát từ những tình huống đánh biên của đối thủ. Đôi khi các hậu vệ ĐT Việt Nam để đối thủ dễ dàng qua người hoặc tạt bóng trong tư thế thoải mái. Đôi khi họ dâng lên quá cao và không kịp lùi về. Những điều đó khiến tỷ lệ bàn thua xuất phát từ 2 biên trở nên đáng báo động.
Điều đương nhiên, tất cả đối thủ ở vòng loại thứ 3 đều mạnh hơn ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng 2 biên đang là điểm yếu lộ rõ trong cách xây dựng đội hình của HLV Park.
Yếu tố con người có thể là một lý do. HLV Park không có những hậu vệ cánh tốt nhất khi Văn Hậu chấn thương, Trọng Hoàng chơi 2 trận rồi cũng chấn thương.
Bên cạnh đó, việc thiếu Hùng Dũng cũng khiến hàng thủ tuyển Việt Nam gặp nhiều áp lực hơn. HLV Park ưa thích sử dụng cặp tiền vệ trung tâm Tuấn Anh - Hoàng Đức, 2 cầu thủ không quá giỏi tranh chấp. Đức Huy, cầu thủ giàu sức chiến đấu hơn, lại đang không có phong độ tốt.
Ngoài ra, những thất bại liên tiếp chắc chắn khiến các cầu thủ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. Điều này cũng khiến những đôi chân trở nên nặng trĩu, bớt thanh thoát. Ở lượt về, ĐT Việt Nam cần gạt bỏ áp lực để chơi bóng thoải mái hơn, tự tin hơn.
Tấn công biên từng là điểm mạnh của ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2019, giải đấu mà thầy trò HLV Park Hang-seo đã gây tiếng vang khi vào đến tứ kết. Bàn thắng quan trọng mà Công Phượng ghi được trong đấu với Jordan ở vòng 1/8 đến sau một tình huống xuống biên của Trọng Hoàng.
Thậm chí, ở trận đấu với Jordan, HLV Park còn cho Văn Hậu và Trọng Hoàng chơi với vai trò inverted wingback (tạm dịch: hậu vệ biên ngược). Khi ĐT Việt Nam triển khai tấn công, 2 hậu vệ này dâng cao, bó vào trung lộ để dễ phối hợp cùng các tiền vệ cũng như tiền đạo. Đây là chiến thuật mà Pep Guardiola áp dụng thành công ở cả Bayern Munich và Man City.
"Phải ngả mũ trước ông Park Hang-seo bởi chiến thuật đặc sắc của ông ấy. Nhà cầm quân người Hàn Quốc dùng hai cầu thủ chạy cánh Trọng Hoàng và Văn Hậu chơi như inverted wingback. Khi bộ đôi này bó vào giữa chơi như tiền vệ, họ tăng quân số tuyến giữa và áp đảo hàng tiền vệ Jordan. Thậm chí họ còn có những cú sút trúng đích. Jordan không thể kiểm soát trận đấu, bởi cuộc chơi là của Việt Nam", chuyên gia Shebby Singh, người từng bình luận cho kênh Fox Sports, dành lời khen.
Hơn hai năm sau, trước những đối thủ hàng đầu châu lục ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ĐT Việt Nam không còn duy trì được điều đó. Những cầu thủ thay thế như Văn Thanh, Hồng Duy chưa làm được những điều tương tự.
Điểm sáng tấn công biên hiếm hoi đến từ Tấn Tài. Anh có một bàn thắng vào lưới Trung Quốc, góp công lớn trong bàn thắng của Tiến Linh ở trận gặp Oman. Tuy nhiên, đó chỉ là những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân chứ chưa đến từ một miếng đánh mang tính chiến thuật.
Bên cạnh đó, Tấn Tài vẫn chưa được tin tưởng hoàn toàn khi bộc lộ một số điểm yếu trong khâu phòng ngự. Anh bị khai thác khá nhiều trong trận gặp Oman và để hậu vệ đối phương tạt bóng thoải mái, dẫn đến bàn thua thứ 2 trong trận gặp Trung Quốc.
Nhìn chung, ĐT Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi đối thủ nhỉnh hơn, hoặc thậm chí là vượt trội về trình độ. Tuy nhiên, thầy trò HLV Park vẫn có thể làm tốt hơn những gì đã thể hiện.
Chiến lược gia người Hàn Quốc cần đưa ra những sự thay đổi để tạo ra nguồn năng lượng mới tích cực hơn cho ĐT Việt Nam. Thất bại trước những đội bóng hàng đầu châu lục không phải là điều quá tồi tệ. Điều quan trọng là ĐT Việt Nam có đứng dậy và tiến bộ được hay không.