Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới".
Trao đổi với Dân Việt, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai từ tháng 7/2020.
Theo đó, Bộ Công Thương đã thực hiện các nghiên cứu, báo cáo về thực tiễn hoạt động phòng vệ thương mại, tổng kết thực thi pháp luật, dự báo bối cảnh triển khai các FTA. Qua đó, rút ra những hạn chế, vướng mắc hiện nay để đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng vệ thương mại trong thời gian tới.
"Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương cũng đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, cũng như hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đối với các nội dung của Đề án", bà Giang thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đề án xác định phòng vệ thương mại là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Do đó, mục tiêu chung của Đề án là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các FTA thế hệ mới.
Cùng với đó, đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sử dụng hiệu quả các quy định về phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng vệ thương mại. Nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, hợp tác quốc tế về phòng vệ thương mại.
Trên cơ sở này, bà Giang cho biết thêm, mục tiêu Đề án là nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại đến năm 2030.
Theo đó, các giai đoạn triển khai Đề án gồm: Giai đoạn 2022-2025, tập trung rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại từ đó đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại.
Xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm để nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Số hóa công tác điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để giảm gánh nặng hồ sơ cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.
Giai đoạn 2025-2030, trên cơ sở tổng kết việc triển khai giai đoạn 2022-2025 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại (bao gồm xây dựng hoặc sửa luật, nghị định, thông tư liên quan). Hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm. Tăng cường tiếng nói của Việt Nam về phòng vệ thương mại trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình thực thi các FTA.
"Hiện, Cục Phòng vệ thương mại được Bộ Công Thương giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ban, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án", bà Phạm Châu Giang thông tin thêm.