Tuy nhiên với tư cách là người quản lý các công việc tại nơi ở của Mao Trạch Đông trong suốt 12 năm, ông Ngô Liên Đăng chỉ nói rằng: “Nếu như mọi người biết được hàng ngày Mao Chủ tịch sống như thế nào thì những tin đồn đó sẽ tự nhiên biến mất”...
Năm 1958, Ngô Liên Đăng mặc dù chưa tốt nghiệp qua tiểu học cũng được nhận vào làm nhân viên phục vụ tại nhà khách của huyện Diêm Thành ở Giang Tô. Hàng ngày công việc của ông là quét dọn vệ sinh và lo trà nước. Ngô Liên Đăng luôn tự hào mình là người nhanh nhẹn nhất trong số các nhân viên phục vụ và mỗi lần ông có thể cầm được 10 phích nước nóng.
Năm 1959, Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh được xây dựng xong và tuyển chọn đội ngũ nhân viên phục vụ từ khắp nơi trên cả nước. Khu Diêm Thành, Giang Tô chỉ được một suất và người được lựa chọn chính là Ngô Liên Đăng. Ông được phân công làm việc tại nhà bếp của Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Tháng 5/1961, bộ phận phục vụ của Trung Nam Hải tiến hành tuyển chọn trong hàng ngàn nhân viên phục vụ của Đại lễ đường nhân dân để chọn ra hai người vào làm việc tại Trung Nam Hải. Một trong hai người được chọn lại là Ngô Liên Đăng.
Năm 1964, Ngô Liên Đăng khi đó 22 tuổi được Mao Trạch Đông lựa chọn làm người quản lý công việc tại nơi ở của ông với những việc về tạp vụ, vệ sinh, dọn dẹp phòng và cơm nước.
Đến năm 1968, Ngô Liên Đăng chính thức được giao vị trí quản lý mọi công việc trong nhà của Mao Trạch Đông, từ tiền lương của ông đến các khoản chi tiêu tài chính khác. Vấn đề lớn nhất mà Ngô Liên Đăng gặp phải là lương của Mao Trạch Đông không bao giờ đủ cho chi dùng. Khi đó, Mao Trạch Đông đang lĩnh mức lương bậc 1 của Nhà nước Trung Quốc là 610 NDT/tháng.
Sau 3 năm Trung Quốc liên tục bị thiên tai, Mao Trạch Đông đã đi đầu trong việc giảm mức lương xuống bậc 3 tức là chỉ còn 404,8 NDT/tháng và con số này không hề thay đổi cho đến khi ông qua đời.
Những khoản chi cố định hàng tháng bao gồm: tiền đảng phí 10 NDT, tiền thuê nhà và đồ gia dụng (nhà ở và vật dụng trong nhà của Mao Trạch Đông cũng đều là thuê của nhà nước) mỗi tháng 84 NDT, tiền học phí cho hai người con mỗi tháng 30 NDT sau đó tăng lên 60 NDT.
Giang Thanh có một người chị gái cùng sống tại đó và sinh hoạt phí cho bà này mỗi tháng 30 NDT đều do Mao Trạch Đông chi trả. Vào mùa đông còn phải trả 30 NDT tiền sưởi ấm. Tổng các khoản chi phí cố định hàng tháng cho gia đình Mao Trạch Đông vào khoảng hơn 200 NDT.
Những khoản chi cho cá nhân Mao Trạch Đông được Ngô Liên Đăng tính toán như sau: tiền ăn hàng tháng khoảng 100 NDT, tiền thuốc lá gần 100 NDT, ngoài ra còn tiền trà. Mao Trạch Đông có rất nhiều bạn bè nên ông thường xuyên tiếp đãi khách khứa.
Ngoài ra, Mao Trạch Đông còn một khoản chi bất thường khác cũng đáng kể: đó là những người họ hàng của ông ở Hồ Nam . Mỗi khi họ lên Bắc Kinh thì Mao Trạch Đông thường lo hết mọi khoản ăn uống, đi lại và cả quà khi ra về. Vì vậy tiền lương của Mao Trạch Đông chưa bao giờ đủ chi dùng. Những lúc chi tiêu khó khăn như vậy, Ngô Liên Đăng lại mang theo sổ chi tiêu đến gặp Mao Trạch Đông để lấy ý kiến của ông rồi mới mang đến Phòng Tài vụ đặc biệt trung ương để rút tiền từ khoản tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông.
Bữa cơm hàng ngày của Mao Trạch Đông chủ yếu là rau và mỗi tháng ông chỉ dùng món thịt xá xíu khoảng 2 hay 3 lần. Yêu cầu duy nhất của Mao Trạch Đông trong cuộc sống thường ngày là trà và thuốc lá: ông thường uống trà Long Tỉnh nhưng thuốc lá thì hút rất nhiều loại.
Vì Mao Trạch Đông tuổi đã cao nên thói quen hút thuốc liên tục có thể nguy hiểm vì vậy loại thuốc lá dành riêng cho ông được sản xuất theo công nghệ đặc biệt khiến cho nếu không hút liên tục thì điếu thuốc sẽ tự tắt sau 30 giây. Đây cũng là đặc quyền duy nhất mà Mao Trạch Đông cho phép mình được hưởng thụ. --PageBreak--
Uông Đông Hưng, người được mệnh danh là “Đại quản gia Trung Nam Hải”, đã từng đảm nhiệm công tác bảo vệ Trung ương Đảng hơn 30 năm, kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng khẳng định: Những tác phẩm của Mao Trạch Đông như “Mao Trạch Đông tuyển tập”, “Mao Trạch Đông ngữ lục”, “Thơ Mao Trạch Đông”... được in và phát hành hàng trăm triệu bản trong nước nhưng ông không hề nhận một đồng nhuận bút nào.
Trịnh Trường Thu - nhân viên thuộc Phòng Tài vụ đặc biệt trung ương là người chịu trách nhiệm quản lý tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông suốt thời gian từ năm 1952 đến 1986 cho biết: “Nhuận bút của Mao Chủ tịch luôn do tôi quản lý. Đến khi Mao Chủ tịch qua đời tháng 9/1976, tổng số tiền nhuận bút của ông là 1,24 triệu NDT.
Đến năm 1983 số tiền này đã tăng lên thành 1,57 triệu NDT do lãi suất tiết kiệm. Mỗi lần thu hay chi tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông đều phải có ý kiến của Uông Đông Hưng, Chu Ân Lai. Phần lớn số tiền nhuận bút của Mao Trạch Đông đều được dùng hỗ trợ cho những nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng như Chương Thổ Chiêu, Vương Lý Phạm mỗi năm 2.000 NDT/người. Năm 1972, Mao Chủ tịch phê duyệt cấp cho Hạ Tử Trân, Giang Thanh, Lý Mẫn và Lý Nạp mỗi người 8.000 NDT thêm vào tiền sinh hoạt phí”.
Bản thân Mao Trạch Đông quy định khi con cái đã đi làm và có tiền lương thì ông sẽ không hỗ trợ sinh hoạt phí nữa. Năm 1972, khi đó Lý Nạp do sinh con nên cuộc sống trở nên khó khăn với khoản lương hàng tháng chỉ vài chục NDT.
Vì vậy khi nhận được yêu cầu giúp đỡ của Lý Nạp, Mao Trạch Đông đã cho trích từ tiền nhuận bút của ông 8.000 NDT để hỗ trợ thêm cho Lý Nạp. Sau đó để công bằng với những người khác, ông cũng đã cho Giang Thanh, Hạ Tử Trân và Lý Mẫn mỗi người 8.000 NDT.
Mao Trạch Đông đưa ra quy tắc rất nghiêm ngặt trong việc chi tiêu: mọi khoản mua sắm của ông đều phải được thanh toán, kể từ bao diêm đến tờ giấy đều phải trả không được thiếu một xu. Cho dù một cọng rau lấy về từ bộ phận phục vụ ở Trung Nam Hải cũng đều phải trả tiền.
Ngay cả khi Mao Trạch Đông uống trà ở bên ngoài thì Ngô Liên Đăng cũng phải đi thanh toán cho ông và tương tự như vậy đối với chi phí ăn uống của Mao Trạch Đông ở nhà bếp của Đại lễ đường nhân dân.
Trong 12 năm Ngô Liên Đăng làm quản gia cho Mao Trạch Đông, ông đã chi 8.000 NDT cho việc mua sách. Đến bữa mọi người trong gia đình Mao Trạch Đông đều phải xếp hàng tại nhà ăn của Trung Nam Hải.
Cả gia đình Mao Trạch Đông thường chỉ ăn tập trung vào một ngày thứ bảy cuối tuần và Mao Trạch Đông có một nguyên tắc: trong bữa cơm đoàn tụ đó mọi người phải kể lại cho ông những gì tai nghe mắt thấy ngoài xã hội.
Quà tặng hay biếu cho Mao Trạch Đông rất nhiều bao gồm cả thực phẩm và các loại vật dụng khác. Những đồ vật đó đều được mang đến cho Mao Trạch Đông xem qua: loại nào là thực phẩm có số lượng nhiều thì mang bán cho nhà bếp Trung Nam Hải rồi lấy tiền gửi lại cho người biếu.
Thứ nào ít thì mang cho đội lái xe hoặc là đơn vị khác. Những tặng phẩm quý giá khác như radio, đồng hồ, trang sức bằng vàng bạc hay đá quý... đều được nộp vào kho tặng phẩm của Trung Nam Hải và viết giấy mượn lại để sử dụng khi cần thiết.
Trước năm 1945, Mao Trạch Đông không có đồng hồ đeo tay. Khi đàm phán ở Trùng Khánh, lúc xuống máy bay Quách Mạt Nhược thấy Mao Trạch Đông không có đồng hồ liền lấy đồng hồ của mình đeo cho Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông đã sử dụng chiếc đồng hồ đó đến tận năm 1969 mới giao cho Ngô Liên Đăng mang đi sửa.
Khi đó Ngô Liên Đăng đã nhờ Uông Đông Hưng mượn một chiếc trong kho tặng phẩm để Mao Trạch Đông sử dụng tạm. Khi nhận chiếc đồng hồ mới, Mao Trạch Đông đã yêu cầu làm một tờ giấy mượn đồ từ kho tặng phẩm. Hai tháng sau đó Mao Trạch Đông đã trả lại chiếc đồng hồ và tiếp tục sử dụng chiếc đồng hồ cũ đã được sửa lại.
Mao Trạch Đông thường ngủ trên một chiếc giường gỗ mà nửa giường xếp đầy sách để ông có thể vừa nằm vừa làm việc. Trên giường của Mao Trạch Đông luôn có hai thứ: đó là một chiếc gối do bà Tống Khánh Linh tặng và một chiếc chăn len mà ông mang theo từ thời kỳ Vạn lý trường chinh. Mao Trạch Đông không bao giờ cho phép bất kỳ ai thay hai thứ đó bằng những đồ mới hơn.