4 bí quyết đưa Mao Trạch Đông từ con nông dân thành lãnh tụ Trung Quốc

TV Thứ tư, ngày 17/03/2021 19:31 PM (GMT+7)
Từ con trai trong một gia đình nông dân trở thành một nhà lãnh đạo kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc cận đại, làm thay đổi diện mạo xã hội Trung Quốc và ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử thế giới... Vậy bí quyết thành công của Mao Trạch Đông là gì?
Bình luận 0

Tri thức lịch sử phong phú và hiểu biết sâu sắc về xã hội

Muốn giỏi việc thì trước tiên phải biết sử dụng các phương tiện. Vì chí hướng cách mạng, Mao Trạch Đông đã chăm chỉ đọc sách và tìm kiếm trong bể tri thức những phương tiện có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện. Không theo nghiệp khoa cử nhưng Mao Trạch Đông rất chăm đọc sách. Mao Trạch Đông từng nói rằng: "Sở thích lớn nhất trong đời tôi là đọc sách. Tôi có thể cả ngày không ăn, không ngủ nhưng không thể không đọc sách một ngày được".

4 bí quyết đưa Mao Trạch Đông từ con nông dân thành lãnh tụ Trung Quốc - Ảnh 1.

Mao Trạch Đông.

Mao Trạch Đông đã học qua 6 năm quốc học, 7 năm Tây học và đã từng tự học tại Thư viện Hồ Nam ở Trường Sa. Khoảng thời gian nửa năm tự học và đọc sách ngày đêm ở đó chính là thời gian có giá trị nhất trong quãng đời học tập của Mao Trạch Đông. 

Trong hơn 10 năm, Mao Trạch Đông đã đọc "Tứ thư ngũ kinh", sách lịch sử, nghiên cứu các trào lưu tư tưởng mới phổ biến của thế giới thông qua tác phẩm của những tác giả nổi tiếng, sùng bái các nhà tư tưởng và nhà cách mạng người Trung Quốc thời kỳ cận đại cũng như những bậc anh hùng hào kiệt của thế giới.  Những điển tích truyền thống Trung Quốc, phong tục văn hóa truyền miệng, các trào lưu biến pháp và thuyết tiến hóa Huxley của phương Tây đều được Mao Trạch Đông nghiên cứu tìm hiểu.

Mao Trạch Đông đặc biệt coi trọng bộ sách "Lịch sử 24 đời" khái quát lịch sử 4.000 năm của Trung Quốc gồm khoảng 4 triệu chữ. Mao Trạch Đông đã đọc toàn bộ pho sử này 5 lần. "Tư trị thông giám" cũng là cuốn sách sử được Mao Trạch Đông ưa thích và đọc không bao giờ chán. Bộ sách này gồm 294 quyển, xuyên suốt 1.362 năm lịch sử qua 15 triều đại của lịch sử Trung Quốc từ thời Đông Chu. Mao Trạch Đông không chỉ đã đọc và chú thích bộ sách này đến 17 lần trong suốt cuộc đời ông mà còn khuyến khích người khác đọc theo.

Quan điểm của Mao Trạch Đông là đọc sách nhưng không trở thành nô lệ của sách vở mà đọc để tiếp thu, đúc kết và sử dụng tri thức từ sách vở. Điểm hơn người của Mao Trạch Đông là ông đã vận dụng được những tri thức tiếp thu được qua sách vở vào thực tế: tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây và dung hòa một cách biện chứng tinh hoa của văn hóa truyền thống Trung Quốc, sử dụng chủ nghĩa Mark - Lenin làm tư tưởng chỉ đạo và cơ sở lý luận, sử dụng văn hóa truyền thống Trung Quốc làm sức mạnh tinh thần và mảnh đất tư tưởng để Trung Quốc  hóa chủ nghĩa Mark.

Giỏi về tổng kết kinh nghiệm và tập trung trí tuệ quần chúng

Mao Trạch Đông là một nhà triết học rất sáng suốt. Ông rất giỏi tổng kết kinh nghiệm và tập trung trí tuệ, sức sáng tạo của quần chúng. Ngày 29/8/1964, một thành viên Đoàn đại biểu giáo dục Lebanon đã hỏi Mao Trạch Đông rằng: "Bí quyết gì khiến Chủ tịch trở nên vĩ đại như vậy và nguồn gốc sức mạnh của ngài từ đâu?".

Mao Trạch Đông đã trả lời rằng: "Tôi không vĩ đại, chẳng qua là tôi đã học được một chút kiến thức từ nhân dân của mình. Chỉ riêng chủ nghĩa Mark thôi sẽ không đủ mà cần phải căn cứ thực tế Trung Quốc để nghiên cứu vấn đề của Trung Quốc. Quần chúng nhân dân chính là nguồn gốc của quyền lực và nếu không phản ánh yêu cầu của nhân dân thì điều gì cũng không thể làm được. Phải học từ quần chúng nhân dân để từ đó hoạch định chính sách rồi sau đó lại tuyên truyền với quần chúng".

Một năm sau đó, ngày 26/7/1965, Mao Trạch Đông hội kiến với nguyên Quyền Tổng thống Quốc Dân đảng Lý Tông Nhân mới từ nước ngoài trở về Trung Quốc. Trong cuộc gặp mặt này, Mao Trạch Đông đã phát biểu: "Những người làm cách mạng chúng tôi dựa vào tổng kết kinh nghiệm để làm việc. Trước đó, mỗi khi kết thúc một chiến dịch, quân đội Trung Quốc đều tiến hành tổng kết kinh nghiệm để biết cách phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm sau đó lại áp dụng vào thực tiễn để xây dựng được nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Hai cuộc nói chuyện trên đã cho thấy một bí quyết thành công trong cuộc đời Mao Trạch Đông: Đó là giỏi về tổng kết kinh nghiệm và tập trung trí tuệ quần chúng.

Khả năng lĩnh ngộ cao

Trong số các nhà lãnh đạo cách mạng của Trung Quốc, Mao Trạch Đông không phải là người học tập chủ nghĩa Mark - Lenin sớm nhất hay nhiều nhất: về nghiên cữu văn hóa Trung Quốc, Mao Trạch Đông không bằng Trần Độc Tú, về thông thuộc các tác phẩm của chủ nghĩa Mark Lenin, Mao Trạch Đông không bằng Vương Minh. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lại có tài năng xuất chúng và khả năng lĩnh ngộ cực kỳ cao.

Các thầy giáo của Mao Trạch Đông đều đánh giá Mao Trạch Đông có tư chất ưu tú, hiếm có và là một bậc kỳ tài xuất thân từ tầng lớp nông dân. Thêm vào đó Mao Trạch Đông có cá tính tư duy độc lập, không mê tín. Những điều đó đã quyết định những điểm độc đáo của Mao Trạch Đông: học tập chủ nghĩa Mark - Lenin với tinh thần nghiêm túc nhưng không cứng nhắc, thận trọng nhưng không giáo điều, không mang tác phong chủ nghĩa sách vở.

Khả năng lĩnh ngộ cực cao của Mao Trạch Đông còn thể hiện ở mưu lược và trí tuệ quân sự của ông. Mao Trạch Đông chưa từng qua bất kỳ trường lớp quân sự nào. Không giống như Lưu Bách Thừa đã từng được đào tạo quân sự ở nước ngoài hay Chu Đức, Bành Đức Hoài đã từng học trường quân sự chuyên nghiệp, kiến thức quân sự của Mao Trạch Đông đều nhờ tự học mà có.  

Năm 1975, khi hội kiến nhà chính trị liên bang Đức H. Waldemar Schmidt, Mao Trạch Đông đã nói rằng: "Thành tựu của tôi quá ít, tôi cũng không biết làm thơ. Tuy nhiên tôi biết cách chiến đấu và biết cách làm thế nào để chiến thắng".

Thể lực khang kiện

Để thực hiện chí hướng lâu dài của mình, Mao Trạch Đông ngay từ khi còn trẻ đã quan tâm đến việc rèn luyện thể lực và cho rằng "sức khỏe là cái túi của tri thức và cái tổ vững chắc của đạo đức".

Năm 1917, Mao Trạch Đông từng viết một luận văn dài 7.000 từ nhan đề "Nghiên cứu về thể dục" đăng trên tạp chí "Tân thanh niên" của Trần Độc Tú. Bài viết này bàn về tính quan trọng của sức khỏe đối với học vấn và sự nghiệp. Mao Trạch Đông cho rằng: "Một người có chí hướng, có trách nhiệm thì chỉ sợ thiếu một cơ thể khỏe mạnh. Thể chất khỏe mạnh, tinh thần sung mãn, có tư tưởng và học vấn thì không gì là không làm được". Vì vậy mà Mao Trạch Đông không bao giờ buông lỏng việc rèn luyện thân thể.

Hoạt động rèn luyện thân thể mà Mao Trạch Đông ưa thích và theo đuổi từ khi còn nhỏ đến tận cuối đời là bơi. Quách Mạt Nhược đã từng nói rằng: "Mao Trạch Đông khi còn nhỏ thì bơi trong ao, lúc thanh niên thì bơi Tương Giang, về già thì bơi Trường Giang".

Nhờ rèn luyện thân thể mà Mao Trạch Đông đã luôn duy trì được sức khỏe tốt: thân hình cao 1m83 của Mao Trạch Đông luôn thể hiện sức lực dồi dào, tinh thần sung mãn. Mao Trạch Đông sở dĩ có thể đảm nhận được trách nhiệm lịch sử to lớn và làm nên sự nghiệp vĩ đại ngoài nhờ vào tài năng kiệt xuất, ý chí kiên cường còn nhờ vào thể lực và tinh thần luôn sung mãn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem