Thời Tam Quốc (220 – 280) tuy hỗn loạn nhưng lại có rất nhiều danh tướng, anh hùng, hào kiệt. Trong số đó, Quan Vũ được xem là một trong số ít võ tướng được các tập đoàn chính trị mạnh nhất Tam Quốc vô cùng yêu mến. Điều này chủ yếu là nhờ vào khả năng võ nghệ xuất chúng cùng sự dũng cảm phi thường và đặc biệt Quan Vũ, người được mệnh danh là "Quan Công Võ thánh" là bầy tôi tuyệt đối trung thành, trọng điều nhân nghĩa.
Dù Tào Tháo có tặng bao nhiêu vàng bạc, mỹ nữ, chức vị… nhưng vẫn không thể giữ chân được Quan Vũ.
Trong trận chiến sinh tử cuối cùng của cuộc đời, cả hai phe đối địch với Thục Hán là Tào Nguỵ và Đông Ngô đều đưa ra rất nhiều mưu sĩ và danh tướng cùng nhiều binh lính tinh nhuệ. Do rơi vào thế hạ phong nên Quan Vũ không thể phá vòng vây để trở về Thục Hán. Sau cùng, anh hùng "uy chấn Hoa Hạ" phải chịu kết cục là bị chặt đầu.
Cái chết của Quan Vũ luôn khiến hậu thế không khỏi xót xa và nuối tiếc khi nhắc tới. Thế nhưng không thể mang thành bại để luận anh hùng, đặc biệt là khi ông phải đối kháng với đại quân của hai địch quốc.
Tuy nhiên, điều đáng nói là Quan Vũ còn là một danh tướng giỏi đào tạo nhân tài.
Cụ thể, trong trận chiến cuối cùng của Quan Vũ, dù phải mất mạng nhưng có một tiểu tướng dưới trướng của ông may mắn chạy thoát. Người này sau đó còn trở thành một trong những tướng lĩnh trụ cột của nhà Thục Hán vào giai đoạn sau. Tiểu tướng cao số đó chính là Liêu Hoá.
Liêu Hoá (? – 264), tự Nguyên Kiệm, người ở Kinh Châu, được coi là một trong những vị tướng đóng vai trò trọng yếu trong giai đoạn sau của nhà Thục Hán.
Lý giải cho điều này không thể không nhắc đến Quan Vũ, danh tướng từng trấn thủ Kinh Châu. Ban đầu, Liêu Hoá vốn là một thư lại tại Kinh Châu, sau quyết định theo Quan Vũ khi đã ở trung tuần.
Sau trận Xích Bích, Liêu Hoá theo Quan Vũ đến trấn thủ Kinh Châu cho tới khi nơi đây xảy ra binh biến.
Tuy nhiên, trong Tam Quốc diễn nghĩa, Liêu Hoá được mô tả là từng tham gia khởi nghĩa Khăn Vàng và sau đó lên núi làm sơn tặc.
Khi Quan Vũ trở về với Lưu Bị, Tào Tháo nghe tin nên đuổi theo tiễn. Bấy giờ, Tào Tháo đã tặng cho võ tướng mà ông mến mộ chiến bào và để Quan Vũ tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, sau đó đoàn xe của Quan Vũ đã bị một nhóm sơn tặc dưới trướng của Liêu Hoá bắt giữ.
Khi biết được danh tiếng của Quan Vũ, Liêu hoá đã quyết định đưa đoàn xe trả lại, đồng thời xin theo hầu nhưng Quan Vũ từ chối.
Sau này, khi Lưu Bị chiếm được Kinh Châu, Liêu Hoá được làm thuộc hạ của Quan Vũ.
Theo ghi chép trong lịch sử, sau khi anh hùng uy chấn thiên hạ Quan Vũ thất bại trong trận Phàn Thành (trọng điểm của Kinh Châu), Liêu Hoá may mắn sống sót và bị quân Đông Ngô bắt được. Để có thể tìm kiếm cơ hội trở về với quân chủ Lưu Bị, Liêu Hoá bấy giờ phải dàn dựng và khiến mọi người tin rằng ông đã qua đời.
Sau đó, khi cơ hội đến, Liêu Hoá đã đưa mẹ mình chạy thẳng về phía Tây và gặp Lưu Bị khi ông đang dẫn quân đánh Đông Ngô. Hai người cùng xông pha trận mạc để báo thù cho Quan Vũ. Sau khi Lưu Bị mất, Liêu Hoá theo Thừa tướng Gia Cát Lượng, sau đó là Khương Duy xuất quân Bắc phạt, lập được nhiều chiến công.
Kinh Châu là khu vực thường xuyên xảy ra giao tranh. Do đó, việc Kinh Châu về tay ai sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương quan lực lược của ba thế lực mạnh nhất là Ngụy - Thục - Ngô.
Có thể nói trong giai đoạn sau này của Thục Hán, Liêu Hoá có những đóng góp quan trọng, đặc biệt là trong chiến dịch Bắc phạt. Tiểu tướng ngày nào dưới trướng của Quan Vũ không những may mắn sống sót trong trận ở Phàn Thành mà sau đó còn trở thành vị tướng chủ lực của quân Thục Hán.
Sau khi Hậu chủ Thục Hán là Lưu Thiện đầu hàng nhà Nguỵ, Liêu Hoá bị áp giải về Lạc Dương. Tuy nhiên ông đã qua đời trên đường bị áp giải vì tuổi cao sức yếu.