Dân Việt

Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (bài 1): Loay hoay đủ nghề chờ ngày trường mở cửa

Mỹ Quỳnh 17/11/2021 08:00 GMT+7
Suốt 6 tháng các trường mầm non phải đóng cửa vì dịch Covid-19 cũng là khoảng thời gian mà giáo viên mầm non phải loay hoay, chật vật để tìm kế sinh nhai bám trụ lại TP.HCM chờ ngày trường lớp mở cửa trở lại.

Giáo viên mầm non loay hoay đủ nghề

Để trả lời câu hỏi giáo viên mầm non đã làm những gì trong thời gian trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19, phóng viên Dân Việt đã gọi hỏi rất nhiều giáo viên mầm non tại TP.HCM.

Những câu trả lời thật bất ngờ, bất kể nghề gì có thể kiếm tiền, giáo viên mầm non đều làm. Tất cả các cô dù là giáo viên, bảo mẫu hay nấu bếp đều trở nên đa năng trước hoàn cảnh thất nghiệp kéo dài. Trong đó, công việc các cô chọn làm nhiều nhất có thể kể đến là giữ trẻ tại nhà, bán hàng online, làm bảo mẫu, giúp việc theo giờ, phụ quán ăn, thậm chí là đi bán rau, nhặt ve chai, làm công nhân thời vụ…

Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM: (Bài 1) Loay hoay đủ nghề chờ ngày trường mở cửa - Ảnh 1.

Trải qua nhiều công việc khác nhau trong mùa dịch, L.D đã tìm được việc làm "ổn định" là làm bảo mẫu, Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, L.D (24 tuổi, ngụ quận 12) cho biết, kể từ khi trường mầm non tạm đóng cửa đến nay, L.D đã "qua tay" khá nhiều nghề nghiệp. Ban đầu, cứ nghĩ dịch Covid-19 sẽ qua nhanh như các đợt giãn cách trước đó, L.D cùng với một đồng nghiệp khác nhận giữ trẻ tại nhà giúp phụ huynh có nhu cầu.

Lớp học có khoảng 10 bé đều ở lứa tuổi chuẩn bị vào lớp 1, mỗi ngày, hai cô cùng nhau dạy chữ, dạy kỹ năng và chăm sóc các bé. Thế nhưng, duy trì được hơn 1 tháng thì dịch bắt đầu nghiêm trọng, nhiều phụ huynh làm việc trực tuyến hoặc tạm ngưng công việc nên đón con về luôn. Lớp học giải tán, L.D và đồng nghiệp tiếp tục tính đến "phương án" khác để có chi phí trang trải.

Đồng nghiệp của L.D đi phụ quán ăn với mức lương 20.000đ/giờ, làm việc từ 5h sáng đến 10h trưa. L.D thì chuyển qua bán online các đồ ăn vặt như rau câu, bánh flan, trà sữa… Tuy nhiên, không may mắn nên hàng hóa ế ẩm, có khi nhiều ngày liên tục không bán được đơn hàng nào nên L.D phải tìm việc khác.

Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM: (Bài 1) Loay hoay đủ nghề chờ ngày trường mở cửa - Ảnh 2.

Phụ huynh chia sẻ bài đăng giúp các cô giáo mầm non bán nước ép kiếm sống tại quận 12, TP.HCM. Ảnh chụp màn hình

Sau đó, có người quen giới thiệu giúp việc nhà theo giờ, L.D nhận lời ngay với mức lương 50.000đ/giờ, làm các việc như giặt giũ, lau dọn nhà cửa và nấu bữa trưa. Với những công việc này, L.D hoàn thành trong khoảng 1-1,5 giờ đồng hồ. Làm được 2 tuần thì thành phố áp dụng biện pháp giãn cách cao nhất, L.D phải ngừng công việc và ở nhà.

"Đầu tháng 10 khi thành phố nới lỏng giãn cách, giáo viên chúng tôi mừng lắm, nghĩ rằng đây là tín hiệu chuẩn bị được trở lại trường học. Thế nhưng, đã hơn 1 tháng trôi qua, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được, thậm chí còn có dấu hiệu tăng trở lại, giấc mơ tới trường dạy trẻ vẫn còn xa quá" – L.D thở dài.

Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM: (Bài 1) Loay hoay đủ nghề chờ ngày trường mở cửa - Ảnh 3.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giáo viên mầm non tư thục lo lắng không biết khi nào được trở lại trường. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Hiện tại, L.D đã tìm được công việc mới "ổn định" hơn trước đó là đến nhà để giữ con cho phụ huynh đi làm. Gia đình mà L.D giữ có 2 bé, một bé học lớp 3 và một bé 18 tháng tuổi. Mỗi ngày, L.D có mặt ở nhà bé lúc 7-7h30 và cho các bé ăn sáng. Sau khi ba mẹ bé đi làm, L.D vừa giữ bé 18 tháng, vừa kèm chị lớn học trực tuyến.

"Có thể nói, hầu như ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giáo viên mầm non cũng không ngoại lệ. Bạn bè tôi bỏ về quê gần hết, số còn lại bám trụ thành phố thì cũng "vật vã", loay hoay đủ kiểu mới sống nổi" – L.D nói.

Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, L.D cho rằng tạm ổn trong thời điểm hiện tại. 

Ngoài ra, L.D còn tranh thủ bán hàng online các loại nông sản từ quê như tiêu, hạt điều, bơ, sầu riêng, dừa… để kiếm thêm thu nhập. Theo L.D, hôm nào có hàng từ quê lên thì tranh thủ đi sớm hơn để giao cho khách rồi tới nhà phụ huynh. Dù vất vả nhưng có đồng ra, đồng vào nên L.D cũng hào hứng.

Chạy xe 30km mỗi ngày để có kế sinh nhai

Tương tự, Quỳnh Mai (23 tuổi, ngụ Gò Vấp) cũng trải qua khoảng thời gian dài "vật vã" tìm việc làm để có thu nhập xoay xở cho cuộc sống. Buộc phải nghỉ việc nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền, thuốc thang cho mẹ già và học phí cho người em nên M. không thể "ở yên một chỗ".

Cũng giống L.D, Mai xoay xở nhiều việc khác nhau trong đợt dịch, giãn cách tới đâu thì đổi việc tới đó. Nhưng theo Mai, làm giáo viên mầm non thì chỉ muốn gắn liền với các bé, nên trải qua khoảng thời gian bán hàng online, nhận đồ gia công tại nhà… thì Mai cũng đã có cơ duyên trở lại với nghề giữ trẻ.

Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM: (Bài 1) Loay hoay đủ nghề chờ ngày trường mở cửa - Ảnh 5.

Nhiều giáo viên mầm non nhận giữ trẻ tại nhà để có thêm thu nhập và giúp phụ huynh yên tâm trở lại công việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Mai cho biết, qua phụ huynh giới thiệu, Mai nhận hai bé (lớp 3 và lớp mầm) ở quận Tân Phú và một bé lớp 1 ở quận 12 để dạy.

Mỗi ngày, hành trình của Mai sẽ bắt đầu từ 6h sáng, chạy từ nhà trọ (đường Cống Lỡ, phường 15, Gò Vấp) chạy qua phường Thạnh Lộc (quận 12) để đón bé lớp 1, sau đó tiếp tục chạy từ quận 12 đến đường Trịnh Đình Thảo (quận Tân Phú) để nhập với hai bé còn lại.

"Ngày nào tôi cũng mất khoảng 3 tiếng chạy xe với đoạn đường tầm 30km. Gặp hôm trời mưa, kẹt xe thì tốn thời gian hơn… Nhưng thấy phụ huynh vất vả, cần mình và bản thân mình cũng cần việc làm, cần tiền để lo cho cuộc sống nên phải cố gắng. Dù thu nhập không cao, vừa đủ chi phí cho bản thân và đỡ đần thuốc thang cho mẹ nhưng tôi cảm thấy hài lòng. Khó khăn chung, mỗi người cùng cố gắng một chút".

TP.HCM: Trợ cấp trẻ mầm non, hỗ trợ giáo viên ngoài công lập

Ngày 2/11, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM.

Theo kế hoạch này, TP.HCM triển khai các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non thông qua các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất...; quan tâm đến các chính sách để hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập...

Đặc biệt, UBND TP.HCM giao Sở GDĐT TP.HCM chủ trì với các sở, ngành tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định mức trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất và mức hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp.