Dân Việt

Lào Cai: Nơi từng xảy ra lũ quét kinh hoàng, bà con trồng cây gì mà tỉa cành, bán lá cũng có tiền?

Tráng Xuân Cường 12/01/2022 13:05 GMT+7
Xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) từng là nơi đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của 10 người tại thôn Nậm Chàm vào cuối năm 2012. Vậy mà chỉ sau mấy năm, xã Nậm Lúc đã có nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, xây được nhà cửa kiên cố, khang trang nhờ trồng quế.

Trồng quế, nhiều hộ dân ở Nậm Lúc có của ăn của để, rủ nhau xin thoát nghèo

Chúng tôi có dịp trở lại thăm xã vùng cao Nậm Lúc và được chứng kiến những đổi thay to lớn đang diễn ra. Nậm Lúc giờ đây không còn dấu vết của trận lũ quét kinh hoàng năm 2012, mà đã mang dáng dấp trung tâm cụm xã khu vực đông nam hạ huyện Bắc Hà. Những nương đồi trọc xưa kia, nay đã phủ xanh bởi cây quế. 

Nhờ trồng quế, nhiều hộ dân tại Nậm Lúc có nguồn thu nhập khá, thoát nghèo bền vững, bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương đã có những đổi thay kì diệu khi hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Lào Cai: Nơi từng xảy ra lũ quét kinh hoàng, bà con trồng cây gì mà đua nhau xin thoát nghèo? - Ảnh 3.

Cuộc sống mới khu tái định cư Nậm Chàm- Nậm Nhù, xã Nậm Lúc, Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Xuân Cường

Còn nhớ, rạng sáng ngày 31/08/2012, một trận lũ quét kinh hoàng xảy ra đã cướp đi sinh mạng của 10 người dân, cuốn trôi và làm sập đổ hoàn toàn hàng chục ngôi nhà tại đây. Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, Nậm Chàm - Nậm Nhù đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng ở xã vùng cao Nậm Lúc.

Ông Vàng Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lúc phấn khởi cho biết, trận lũ quét xảy ra năm 2012 làm ảnh hưởng đến 12 hộ dân ở thôn Nậm Chàm. Sau khi khắc phục, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương đã sắp xếp, bố trí chỗ tái định cư cho nhân dân đến nơi an toàn và hỗ trợ nhân dân tái sản xuất, bà con đã yên tâm sinh sống ở nơi mới, chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi, trồng quế. Năm 2020, bình quân thu nhập ở Nậm Chàm đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Với ông Phàn Văn Tiến, 53 tuổi, dân tộc Dao, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, cũng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Dao ở Nậm Chàm thì ký ức về thảm họa gần 9 năm trước không bao giờ quên được. 

Ông Tiến chia sẻ: "Trận lũ quét kinh khủng lắm, mỗi lần nhớ lại mà lòng đau như cắt khi bỗng chốc lũ quét cuốn sạch nhà cửa, khắp nơi tan hoang, một màu chết chóc. Lúc đó tôi và những người may mắn sống sót vô cùng hoảng sợ. 

Thật may là chúng tôi được bộ đội, cán bộ và các tổ chức, cá nhân khắp nơi giúp đỡ từ miếng ăn, nước uống, cơm áo, gạo tiền, tìm người mất tích... Dần dần cũng ổn định, nhà mình và 11 hộ còn lại được nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, di chuyển đến khu tái định cư mới". 

Ông Tiến cho biết còn được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ mở đường, công trình nước sạch và mới đây là kéo điện lưới Quốc gia, hỗ trợ bà con cây, con giống, phân bón, nhất là hỗ trợ trồng quế. 

"Bây giờ cuộc sống đã ổn định rồi! Tại khu sạt lở, tan hoang xưa kia, mình và bà con đã trồng phủ xanh cây quế dược 5 năm tuổi rồi. Chỉ 2-3 năm nữa cho thu hoạch tỉa cũng có nguồn thu đáng kể. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền đã quan tâm giúp đỡ bà con người Dao chúng tôi" - ông Tiến nói.

Lào Cai: Nơi từng xảy ra lũ quét kinh hoàng, bà con trồng cây gì mà đua nhau xin thoát nghèo? - Ảnh 1.

Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ, gia đình anh Đặng Văn Hải có điều kiện vươn lên, khá giả từ trồng quế. Mỗi năm chỉ cần tỉa cành, bán lá quế, gia đình anh cũng có đồng ra đồng vào. Ảnh: Xuân Cường

Trong năm 2021, bà con khu tái định cư Nậm Chàm, xã Nậm Lúc có thêm nhiều niềm vui khi gần 30 hộ dân cuối cùng được sử dụng điện lưới Quốc gia. Con đường bê tông xi măng vào khu tái định cư Nậm Chàm dài 1,62 km cũng mới hoàn thành, trong đó mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng cùng với Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, mở ra cơ hội mới đổi đời cho đồng bào dân tộc Dao. 

Đặc biệt, dấu vết khu sạt lở tan hoang xưa giờ đã không còn mà được thay thế bởi những đồi quế xanh ngút ngàn. Cây quế đã và đang trở thành cây trồng chính, bắt dầu cho thu hoạch, đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con. 

Lào Cai: Nơi từng xảy ra lũ quét kinh hoàng, bà con trồng cây gì mà tỉa cành, bán lá cũng có tiền? - Ảnh 4.

Mô hình trồng quế hữu cơ đang giúp nông dân Nậm Lúc có thu nhập thường xuyên. Ảnh: Xuân Cường

Anh Trương Văn Quang, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Nhù, xã Nậm Lúc chia sẻ: "Ngoài trồng quế, chúng tôi cũng quan tâm, vận động bà con trồng sắn, đẩy mạnh và chú trọng chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà và nuôi cá để tăng thêm thu nhập. Hiện bà con đã trồng được 40ha quế, trong đó năm 2020 trồng mới 6ha. Cây quế bắt đầu cho thu hoạch tỉa từ 2 năm nay, vì thế nhiều hộ đã thoát nghèo".

Gia đình anh Đặng Văn Hải, dân tộc Dao, 40 tuổi, ở khu dân cư Nậm Chàm, thôn Nậm Nhù là 1 trong số hộ bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ quét năm 2012. Nhà cửa trôi mất, gia đình anh còn bị mất luôn 5kg bạc trắng mà gia đình nhiều đời tích lũy. Từ khi được nhà nước hỗ trợ đến khu tái định cư mới, anh đã dần ổn định cuộc sống. 

Nhờ chăm chỉ lao động sản xuất, trồng quế, trồng sắn, gia đình anh Hải đã có tiền xây nhà mới khang trang hồi đầu năm 2021. "Nhà tôi bị lũ quét, may mà chạy kịp, còn đồ đạc mất hết rồi! Nhà nước tái định cư ở trên đấy, bây giờ nhà cũng ổn định. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chúng tôi được hỗ trợ cây quế giống, làm đường, bây giờ có đường bê tông đến tận nhà rồi! Trước còn hỗ trợ tiền làm nhà, kéo điện lưới quốc gia, có điện cho bà con sống rất ổn định" - anh Hải vui vẻ cho biết.

Lào Cai: Nơi từng xảy ra lũ quét kinh hoàng, bà con trồng cây gì mà đua nhau xin thoát nghèo? - Ảnh 2.

Hơn 9 năm qua, ông Tiến và bà con người Dao Nậm Chàm đã miệt mài trồng quế phủ xanh khu bản xưa bị sạt lở. Màu xanh tương lai, hạnh phúc ấm no đang dần hiện hữu.

Được biết, tổng mức đầu tư tại khu tái định cư Nậm Chàm, thôn Nậm Nhù trên 20 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục công trình thiết yếu như: cấp điện thắp sáng, sinh hoạt; hệ thống thủy lợi, đường giao thông, nước sinh hoạt... 

Ngoài tuyến đường nội thôn Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu, nhân dân góp công sức, hiến đất hoàn thành thì trong hơn 2 năm qua (từ 2019 - 2021), người dân trong thôn đã bảo nhau tự bỏ tiền đóng góp đổ bê tông 01 tuyến đường nội đồng, làm mới 04 tuyến đường nội đồng, đầu tư làm đường liên gia, ngõ xóm... 

Bí thư Chi bộ thôn Nậm Nhù Trương Văn Quang tự hào nói: "Tháng 5/2021, Nậm Nhù mở được 02 tuyến đường nội đồng dài hơn 1 km. Năm 2020, đào được 4 tuyến đường nông thôn mới, tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, đổ bê tông 1 tuyến đường nội đồng, tổng số tiền 40 triệu đồng... Đường sá thuận lợi, bà con bán quế, nông sản cũng được giá hơn. Phấn khởi hơn cả là người dân không còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chủ động tìm hướng vươn lên, tích cực đóng góp xây dựng quê hương".