Dân Việt

Ai mới là mưu sĩ của Lưu Bị khiến Tào Tháo "khao khát" có nhất

PV 18/11/2021 10:31 GMT+7
Bậc kỳ tài như Gia Cát Lượng hoá ra không phải là mưu sĩ mà Tào Tháo khao khát có được nhất.

Trong thời Tam Quốc (220 – 280), loạn lạc khắp nơi, Lưu Bị, Tôn Quyền và Tào Tháo nổi lên là đại diện của ba thế lực mạnh nhất. Mưu sĩ và võ tướng là những nhân tố cần có để làm lên nghiệp lớn, hiện thực hoá giấc mơ thống nhất thiên hạ.

Mưu lược và tài năng, được ca ngợi là bậc anh hùng thời loạn như Tào Tháo, không khó để thu hút, lôi kéo mưu sĩ và võ tướng phò tá. Về mưu sĩ, Tào Tháo có Quách Gia – người được coi là bậc kỳ tài mưu lược không thua gì Gia Cát Lượng, Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ…

Không phải Gia Cát Lượng, đây mới là mưu sĩ của Lưu Bị khiến Tào Tháo "khao khát" có nhất - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng không phải là mưu sĩ mà Tào Tháo khao khát có được. Ảnh: Sohu

Về võ tướng, Tào Tháo cũng có trong tay nhiều người tài giỏi như Trương Liêu, Nhạc Tiến, Trương Cáp, Từ Hoảng, Điển Vi, Hứa Chử…

Dù có nhiều mưu sĩ tài năng nhưng Tào Tháo vẫn luôn mong mỏi và khao khát có được vị quân sư nổi danh văn võ toàn tài của Lưu Bị và cho rằng người này còn tài hơn cả Gia Cát Lượng. Nếu có được cái tài của mưu sĩ này thì nhất định có thể thống nhất thiên hạ, hoàn thành cơ nghiệp.

Dưới trướng của Lưu Bị, bên cạnh Gia Cát Lượng, Bàng Thống, quả thực còn có một mưu sĩ vô cùng tài năng. Ông từng làm quân sư, giúp Lưu Bị đoạt Hán Trung từ tay Tào Tháo. Ông là Pháp Chính, người duy nhất mà Gia Cát Lượng cho rằng có thể ngăn được Lưu Bị đông chinh.

Mưu sĩ ẩn mình dưới trướng Lưu Bị

Pháp Chính (176 – 220), tự Hiếu Trực, là một trong những mưu sĩ hàng đầu của Lưu Bị thời Tam Quốc. Ban đầu Pháp Chính vốn là thuộc hạ dưới trướng của Lưu Chương. Sau khi Lưu Bị vào đất Thục, Pháp Chính về làm mưu sĩ.

Ông đã hiến kế giúp Lưu Bị có được Ích Châu, đồng thời đưa ra liên hoàn kế để quân chủ của mình chiếm được Hán Trung. Pháp Chính trở thành mưu thần được Lưu Bị ưu ái nhất, thậm chí còn cao hơn cả Gia Cát Lượng.

Không phải Gia Cát Lượng, đây mới là mưu sĩ của Lưu Bị khiến Tào Tháo "khao khát" có nhất - Ảnh 2.

Pháp Chính là mưu sĩ rất được Lưu Bị coi trọng. Ảnh: Sohu

Trong bộ chính sử "Tam Quốc chí", sử gia Trần Thọ cũng khen ngợi về năng lực quân sự của Pháp Chính có thể so sánh với bậc kỳ tài Quách Gia của Tào Nguỵ. "Bàng Thống và Tuân Úc gần như một cặp, Pháp Chính, Trình Dục, Quách Gia cũng tương đương vậy", Trần Thọ bình luận.

Pháp Chính là người giỏi bày mưu với phong cách không đi theo một con đường nhất định, kỳ lạ nhưng lại có thể mang lại hiệu quả bất ngờ.

Trong đó, chiến thắng ở trận Hán Trung khiến tên tuổi và tài năng của Pháp Chính được nhiều người biết đến.

Trong trận Hán Trung (217 – 219), Pháp Chính là quân sư bày mưu hiến kế cho Lưu Bị. Ông đã dùng liên hoàn kế, bao gồm 7 kế sách thông minh để từng bước dụ Tào quân càng đánh càng không thể thoát ra và thậm chí có quân cứu viện thì cũng không thay đổi được gì.

Theo đó, vào cuối năm 218, Lưu Bị cùng Hoàng Trung và Pháp Chính mang đại quân đến tấn công Hán Trung, nhanh chóng lấy được cửa ải Dương Bình. Đến đầu năm 219, nghe theo lời khuyên của Pháp Chính, Lưu Bị dẫn quân vượt qua sông Miện Thuỷ, đóng quân hạ trại tại núi Định Quân để đối đầu với Hạ Hầu Uyên, đồng thời lệnh cho Hoàng Trung dẫn đầu một cánh quân mai phục ở phía sau của đỉnh núi này.

Bấy giờ do không biết là mưu kế, Hạ Hầu Uyên đã mang theo đại quân tới đánh doanh trại của Lưu Bị. Kết quả, do trở tay không kịp, Hạ Hầu Uyên tử trận, quân Tào ở Hán Trung cũng rơi vào tình trạng bất an.

Tào Tháo nghe tin đã dẫn đại quân đến. Tuy nhiên, Triệu Vân sau đó cướp được lương thảo của quân Tào, khiến cục diện trận chiến thay đổi hoàn toàn.

Cuối cùng, Tào Tháo thua trận, đành phải lui quân trở về Hứa Đô mà vẫn luôn cho rằng Lưu Bị không có khả năng thực hiện việc này, tất phải có người bày mưu cho. Khi biết được người này chính là Pháp Chính, Tào Tháo rất muốn có được vị mưu sĩ này nhưng không thể làm được. Ông bày tỏ sự nuối tiếc của bản thân khi nói là có được người tài khắp thiên hạ nhưng duy nhất không thể có được Pháp Chính.

Chiến thắng trận Hán Trung cho thấy nhãn quan chính trị về quân Tào Nguỵ cùng khả năng tính toán hơn người của Pháp Chính đã biến một bậc kỳ tài quân sự như Tào Tháo cũng phải chấp nhận thua cuộc.

Có thể nói Pháp Chính đã lập công lớn cho Lưu Bị, giúp Thục Hán hình thành cục diện phân tranh thiên hạ với Đông Ngô và Tào Nguỵ sau này.

Đến tháng 7 năm 219, Lưu Bị tiến vào Hán Trung, xưng làm Hán Trung Vương, còn Pháp Chính được phong làm Thượng thư lệnh.

Tuy nhiên, đến năm 220, Pháp Chính đột ngột qua đời khiến Lưu Bị vô cùng thương cảm.

Không phải Gia Cát Lượng, đây mới là mưu sĩ của Lưu Bị khiến Tào Tháo "khao khát" có nhất - Ảnh 3.

Nếu Pháp Chính không mất sớm, việc có được cả Gia Cát Lượng và vị quân sư mưu lược này có thể sẽ giúp Lưu Bị sớm hoàn thành cơ nghiệp, thống nhất thiên hạ. Ảnh: Sohu

Nhiều người nhận định, nếu như Pháp Chính không chết, kết hợp giữa tài mưu lược của ông cùng với sự trợ giúp của Gia Cát Lượng thì có lẽ đã có thể đánh bại được Tào Tháo trong lần Bắc phạt thứ nhất.

Thậm chí, nếu như Pháp Chính không chết sớm thì có lẽ Thục Hán cũng không đại bại ở trận Di Lăng. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, sau trận chiến này, chính Gia Cát Lượng cũng thốt lên rằng, nếu như Pháp Chính còn sống thì nhất định có thể khuyên can được Lưu Bị không mang quân đi đánh Ngô, thậm chí cho dù có đi đánh Ngô thì cũng không đến mức đại bại mà quay về.