Dân Việt

Tăng tốc sản xuất hàng Tết, đụng ngay giá đầu vào leo thang

Hồng Phúc 17/11/2021 08:59 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đã và đang nỗ lực cho kế hoạch sản xuất hàng Tết. Họ cho biết sẽ cố gắng giữ giá trước tình hình chi phí đầu vào tăng mạnh vì Covid-19.

Hoạt động bình thường trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất hàng Tết.

Dầu ăn, trứng, giò chả vào kế hoạch sản xuất hàng Tết

Ông Bùi Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An, cho biết để cung ứng đủ nguồn hàng cho các khối doanh nghiệp cùng 450.000 điểm bán trên toàn quốc cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2022, doanh nghiệp đã chuẩn bị triển khai kế hoạch sản xuất từ đầu tháng 10.

"Dự kiến sản lượng dầu ăn được tung ra thị trường Tết năm nay sẽ tăng 30% so với cùng kỳ", ông Tùng nói và thông tin sẽ ưu tiên phát triển đồng đều cả ba phân khúc phổ thông, trung, cao cấp tùy vào sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguyên liệu đầu vào leo thang, doanh nghiệp lo giữ giá hàng Tết - Ảnh 1.

Tường An dự kiến sản lượng dầu ăn được tung ra thị trường Tết năm nay sẽ tăng 30% so với cùng kỳ. Ảnh: Ng.Anh.

Theo ông, tình hình khó khăn chung vì dịch bệnh nên giá cả trên thế giới biến động gây ảnh hưởng nghiêm trọng việc chi tiêu. Doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình này và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân giai đoạn mua sắm cuối năm.

Ông cho biết dầu ăn là một trong những sản phẩm thiết yếu được sử dụng hàng ngày. Quý IV hàng năm và Tết Nguyên đán là mùa cao điểm nhất trong năm của ngành hàng dầu ăn, vừa làm nguyên liệu chế biến, vừa làm quà tặng. "Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn lên kế hoạch sản xuất sản lượng lớn", ông Tùng nói.

Các doanh nghiệp như Vissan, Ba Huân cũng đã có kế hoạch sản xuất hàng Tết, đảm bảo luôn đủ hàng cho người tiêu dùng, bởi nhu cầu mặt hàng trứng, thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến từ thịt luôn tăng cao vào dịp này.

Đại diện Vissan thông tin thị trường Tết năm nay sẽ cung cấp hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến. Công ty đang tuyển thêm công nhân, tăng ca để sản xuất kịp thị trường cuối năm.

Bà Phạm Thị Huân cho biết doanh nghiệp có thể đáp ứng nguồn cung 1,5 triệu quả trứng mỗi ngày vào giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán. Con số này tăng 500.000-700.000 quả so với mức bình thường.

Nỗ lực giữ giá ổn định

Theo các doanh nghiệp sản xuất, do ảnh hưởng bởi Covid-19, giá nguyên liệu tăng cao đang là vấn đề khiến họ đau đầu. Một số nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng 10-30% gây áp lực cho giá thành sản phẩm. Nhất là thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đã cố gắng giữ giá để hỗ trợ người tiêu dùng trong mùa dịch.

Dù vậy, lãnh đạo Công ty Vissan cho biết dịp Tết này, doanh nghiệp vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Về nguồn hàng, nếu thị trường có những biến động đột biến, công ty vẫn đáp ứng được kịp thời.

Nguyên liệu đầu vào leo thang, doanh nghiệp lo giữ giá hàng Tết - Ảnh 3.

Vissan sẽ cung cấp hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến cho thị trường Tết 2022. Ảnh: Hồng Phúc.

Bà Phạm Thị Huân cũng cho biết công ty cam kết đảm bảo nguồn hàng dự trữ, không để xảy ra thiếu hụt hàng và không tăng giá sản phẩm cho giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất lớn, một số doanh nghiệp chuyên về hàng thiết yếu, chế biến lương thực, thực phẩm có quy mô nhỏ hơn cũng đang tăng tốc chuẩn bị hàng cho giai đoạn cuối năm.

Những ngày này, người lao động tại Công ty TNHH Tân Nhiên chuyên sản xuất bánh tráng  đang tất bật vừa phục vụ đơn hàng sau dịch trong nước và xuất khẩu, vừa dự trữ hàng cho giai đoạn cuối năm. Mỗi ngày, công ty sản xuất khoảng 10-12 tấn bánh tráng, để kịp phân phối đến các đại lý, siêu thị mini tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác.

"Nhân viên của chúng tôi đang làm không kịp. Nhu cầu bánh tráng dịp Tết trong gia đình người Việt rất cao. Hiện giá nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác đều tăng nhưng do đã chủ động trước được nguồn hàng nên chúng tôi sẽ cam kết giữ giá ổn định", ông Hoàng nói.

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các doanh nghiệp, hệ thống phân phối hàng hóa của thành phố tiếp tục là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng, chống chọi với diễn biến của dịch bệnh.

Bà Thắng nhấn mạnh các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tập trung kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy đối với các tỉnh thành và tăng tốc sản xuất, có phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022.