Đau đầu vì giá xăng tăng, giá gas tăng, cái gì cũng tăng theo

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 06/11/2021 13:25 PM (GMT+7)
Đầu năm, xe đổ xăng đầy bình chỉ 70.000 đồng, nay lên 100.000 đồng. Giá gas vọt lên nửa triệu đồng mỗi bình 12kg. Giá xăng tăng, giá gas tăng đẩy giá thực phẩm, rau củ quả cũng đồng loạt tăng theo.
Bình luận 0

Lượng hàng hoá, thực phẩm các loại về TP.HCM ngày một tăng nhưng giá cả lại leo thang vì giá xăng tăng, giá gas cũng lên đỉnh lịch sử.

Giá thực phẩm tăng theo giá xăng

Bà Ngọc Hòa (ngụ quận Phú Nhuận) những ngày qua đau đầu vì bỗng dưng giá nhiều loại thực phẩm tươi sống nhích tăng trở lại. Bà ước tính, mỗi kg rau xanh hiện nay đã tăng từ 5.000 - 10.000 đồng mỗi kg, có loại tăng đến 15.000 đồng so với cách đây nửa tháng.

"Lúc thành phố vừa mở lại chợ, siêu thị, giá rau xanh giảm và trở lại mức bình thường, ai cũng mừng. Rau xanh từ 20.000 đồng/kg thôi. Nhưng chưa được bao lâu thì bây giờ tăng lại", bà Hòa nói.

Đau đầu vì giá xăng tăng, giá gas tăng, cái gì cũng tăng theo - Ảnh 1.

Giá nhiều loại rau xanh tại chợ bắt đầu tăng trở lại. Ảnh: Hồng Phúc

Bà nội trợ này thắc mắc tại sao đến chợ, thấy rất nhiều tiểu thương đã bán lại, hàng hóa cũng đầy đủ so với hồi đầu tháng 10 nhưng giá rau củ quả lại tăng. Bà nhẩm tính, nếu cách đây mua hơn 100.000 đồng tiền rau là gia đình 4 người ăn đủ một tuần thì hiện phải bỏ thêm 50.000 đồng nữa.

Khảo sát tại một số chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Bình Thới…, giá nhiều loại rau củ quả, thịt gà, thủy hải sản đều đồng loạt tăng.

Rau xanh các loại như cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thảo… tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg, đưa giá về lại khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg; rau xà lách tăng cán mốc 50.000 đồng/kg; bông cải, súp lơ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Cà chua, khổ qua nhảy vọt lên lại từ 35.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, giá mặt hàng thịt heo các loại cũng chưa kịp giảm theo đà giảm của giá heo hơi. Thịt nạc đùi, cốt lết từ 110.000-120.000 đồng/kg, thịt xay 120.000-130.000 đồng/kg, sườn non, ba rọi rút sườn từ 170.000-180.000 đồng/kg.

Đau đầu vì giá xăng tăng, giá gas tăng, cái gì cũng tăng theo - Ảnh 3.

Giá thủy hải sản cũng nhích nhẹ. Ảnh: Hồng Phúc

Cá diêu hồng 70.000-80.000 đồng/kg, tôm thẻ trên dưới 200.000 đồng, mực ống gần 300.000 đồng/kg.

Mức giá rau củ quả, thịt cá này đang dần tiệm cận lại mức ngất ngưởng lúc TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội.

Hàng hóa đã về nhiều hơn

Đáng chú ý, giá nhiều loại thực phẩm tăng vọt dù lượng hàng hóa các loại về TP.HCM đã nhiều và dễ dàng hơn so với trước. 

Đầu tháng 10, chợ Bình Thới (quận 11) hoạt động với 50% công suất, hiện đã nâng lên 85% công suất, hàng hóa cũng đa dạng và phong phú hơn để phục vụ người dân. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng, nhất là nhóm thực phẩm tươi sống đều nhích tăng.

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới, cho biết giá thực phẩm nhích tăng tại nguồn nên tiểu thương cũng phải điều chỉnh. Ban quản lý chợ đều phải kiểm tra giá từng ngày để báo cáo với cơ quan quản lý thị trường, đồng thời yêu cầu tiểu thương niêm yết giá để người dân dễ dàng mua sắm.

Đau đầu vì giá xăng tăng, giá gas tăng, cái gì cũng tăng theo - Ảnh 4.

Chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Thủ Đức đã hoạt động lại. Ảnh: M.S.

Nhiều tiểu thương cho biết thêm, giá thực phẩm mua tại nhà vườn tăng do giá phân bón, cây giống tăng. Đặc biệt, mới đây, giá xăng lại tăng mạnh, các chi phí này đều được cộng dồn khiến giá rau bán ra cũng phải điều chỉnh tăng.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất ngày 26/10, mỗi lít xăng A95 tăng hơn 1.460 đồng/lít, vượt hơn 24.000 đồng/lít, xăng E5 tăng 1.430 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng/lít.

"Vừa hết giãn cách, đi làm trở lại mà cái gì cũng tăng. Giá xăng tăng, bây giờ tôi đổ đầy bình là cả trăm nghìn, trong khi trước giãn cách chỉ đổ 70.000 đồng. Mua rau, mua thịt gì họ cũng đổ cho giá xăng tăng. Chưa hết, đầu năm đổi gas bình 12kg khoảng 350.000 đồng, giờ lên nửa triệu rồi", chị Ngọc Giàu (quận Bình Tân) than.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết hiện lượng hàng hóa cung ứng về các điểm phân phối đạt xấp xỉ 6.500 tấn/ngày. Con số này dù thấp hơn bình thường khoảng 1.000-1.500 tấn nhưng theo ông, lượng hàng vẫn đang tiếp tục tăng từng ngày. 

Tính đến nay, hai chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) đã hoạt động trở lại, lượng hàng đổ về TP cũng đang liên tục tăng.

Sau 1 tháng mở cửa, đã có 150/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết đang đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình để nhanh chóng mở lại các chợ truyền thống, góp phần khôi phục các kênh phân phối hàng hóa. Khi nguồn cung nhiều hơn, đây cũng là giải pháp hạ nhiệt giá thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem