Dân Việt

Nhật Bản tung chiêu mới, tìm lại thế tăng trưởng công nghệ “hậu hào quang”

Huỳnh Dũng 21/11/2021 13:01 GMT+7
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, Koichi Hagiuda công bố kế hoạch mới vài ngày trước khi Thủ tướng Fumio Kishida chuẩn bị công bố gói kích thích trị giá vài chục nghìn tỷ yên để xoa dịu nỗi đau do đại dịch COVID-19 và để phục hồi nền kinh tế.

Hiện nay, cơn sốt khan hiếm chip bán dẫn đang ảnh hưởng tất cả mọi ngành sản xuất sản phẩm công nghệ, từ màn hình LCD, cho đến card đồ họa, máy chơi game console hay thậm chí là cả ngành xe hơi. Đối với người tiêu dùng, tình hình này đã tạo ra một môi trường không hề tốt đẹp, nhất là khi họ muốn mua đồ công nghệ mới. Trong bối cảnh này, Chính phủ nhiều nước cũng đã nhận ra thực trạng chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu gặp sự cố hậu đại dịch COVID-19, và đang có những biện pháp để cải thiện tình hình.

Thủ tướng Fumio Kishida, với vị thế được củng cố nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng trước đã tuyên bố sẽ công bố một gói kích thích "trị giá vài chục nghìn tỷ yên" để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn đang quay cuồng với virus.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Koichi Hagiuda cho biết, gói kích thích kinh tế của Nhật Bản sẽ có kế hoạch khẩn cấp củng cố ngành công nghiệp chip trong khi chính phủ cũng sẽ xây dựng chiến lược cho ngành pin lưu trữ. Hagiuda công bố kế hoạch vài ngày trước khi Thủ tướng Fumio Kishida chuẩn bị công bố gói kích thích trị giá  40 nghìn tỷ yên (tương đương 350 tỷ USD) để xoa dịu nỗi đau của đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế.

Nhật Bản đang tìm cách tăng cường các lĩnh vực chip, pin lưu trữ như một phần của kế hoạch kích thích. Ảnh: @AFP.

Nhật Bản đang tìm cách tăng cường các lĩnh vực chip, pin lưu trữ như một phần của kế hoạch kích thích. Ảnh: @AFP.

Kế hoạch này cũng được đưa ra sau thông báo của Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) vào tuần trước về kế hoạch xây dựng nhà máy chip trị giá 7 tỷ USD tại Nhật Bản với Tập đoàn Sony, một động thái được chính phủ Nhật Bản hoan nghênh trong thời điểm hiện tại.

Nhà máy mới xuất hiện trong tình trạng thiếu chip dai dẳng gây ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp toàn cầu. Các chính phủ trên khắp thế giới đã và đang chạy đua để tăng cường khả năng sản xuất chip trong nước của họ, một phần bằng cách cố gắng lôi kéo TSMC và đối thủ Samsung Electronics Co của Hàn Quốc bằng các ưu đãi tài chính.

Liên doanh mới có "sự hỗ trợ mạnh mẽ" từ chính phủ Nhật Bản, hai công ty cho biết thêm trong một tuyên bố chung. Chính phủ Nhật Bản được cho là sẽ trợ cấp một nửa trong số khoảng 800 tỷ yên (7 tỷ USD) cho một nhà máy mới mà Hãng sản xuất chất bán dẫn Đài Loan và Sony đang có kế hoạch xây dựng ở Kumamoto, miền tây Nhật Bản. Nhà máy này được cho là sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023 hoặc 2024 và chip làm ra sẽ được sử dụng trong cảm biến hình ảnh camera, cho ô tô và các sản phẩm khác. Nhà máy chip này dự kiến cũng sẽ tạo ra khoảng 1.500 việc làm với công suất hàng tháng là 45.000 tấm wafer 12 inch ban đầu được sản xuất với quy trình 22 và 28 –nanometre.

"Đây là một động thái rất quan trọng xét từ quan điểm an ninh kinh tế; Chất bán dẫn là một sản phẩm quan trọng đối với quốc gia của chúng tôi", Thủ tướng Fumio Kishida cho biết trong một tuyên bố.

Nhật Bản đang thúc đẩy ngành công nghiệp chip của mình như một phần của gói kích thích quốc gia trị giá hàng chục nghìn tỷ yên khổng lồ. Ảnh: @AFP.

Nhật Bản đang thúc đẩy ngành công nghiệp chip của mình như một phần của gói kích thích quốc gia trị giá hàng chục nghìn tỷ yên khổng lồ. Ảnh: @AFP.

Nhà phân tích Kota Ezawa của Citi gọi bước phát triển này là "khá tích cực" đối với Sony trong một ghi chú nghiên cứu. Bởi thực tế lĩnh vực sản xuất chip của Nhật Bản, từng là ngành công nghiệp số 1 thế giới trong những năm 1980 đã phải vật lộn để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, đi vào quỹ đạo suy giảm đều đặn trong ba thập kỷ qua, khi các đối thủ trong khu vực như các nhà sản xuất Đài Loan đang lấn sân mạnh mẽ. Sự thiếu hụt chip đang diễn ra và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã buộc các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản bao gồm Toyota và Honda phải cắt giảm sản lượng trong năm nay.

"Một nguyên nhân chính của ba thập kỷ đi xuống mờ nhạt là do thiếu đầu tư kỹ thuật số", Hagiuda nói trong một cuộc họp của hội đồng tại Bộ Thương mại.

"Nhiều vấn đề mà Nhật Bản phải đối mặt có thể được giải quyết bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số ... Chìa khóa của tăng trưởng hậu hào quang là phục hồi hoạt động đầu tư kỹ thuật số trên phạm vi toàn quốc".

Nhật Bản muốn nhà sản xuất chip số 1 thế giới TSMC xây dựng các nhà máy cung cấp chip cho các nhà sản xuất thiết bị điện tử và ô tô của Nhật Bản vì xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, trong khi nhu cầu đối với thành phần linh kiện điện tử chủ chốt tăng lên.

Ngoài ra, Hagiuda cho biết chính phủ cũng đang xem xét các bước để khuyến khích thành lập các địa điểm sản xuất quy mô lớn cho pin lưu trữ, mà theo ông là chìa khóa để đạt được các mục tiêu xanh và kỹ thuật số liên quan đến ngành sản xuất ôtô điện.

Không riêng gì Nhật Bản, một số quốc gia, khu vực cũng đã có sách lược riêng về cuộc chiến sống còn với ngành chip. Lấy ví dụ, chính quyền tổng thống Joe Biden đang cố gắng cải thiện tình trạng khan hiếm chip và giảm phụ thuộc vào Đài Loan bằng cách đưa ra một gói đầu tư trị giá 52 tỷ USD để kích thích ngành công nghiệp chip bán dẫn Mỹ phát triển. Còn trong khi đó, Trung Quốc thì đang muốn tạo ra bước "đại nhảy vọt" của thế kỷ XXI khi đầu tư hẳn 100 tỷ USD hỗ trợ cho các đơn vị phát triển chip bán dẫn trong nước.

Châu Âu thì có một sáng kiến gọi là "Digital Compass", tăng đóng góp của lục địa già vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu lên khoảng 20 phần trăm tính đến năm 2030. Mục tiêu này vô cùng tham vọng, nhưng bản thân Intel cũng vừa hứa sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở châu Âu, trong khi Apple thì đầu tư 1,2 tỷ USD nâng cấp trung tâm phát triển chip xử lý ở Đức, tập trung phát triển module thu phát sóng 5G hoặc những công nghệ kết nối khác.