Dân Việt

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp "3 không": Ngân hàng kiếm bẫm, coi chừng "bom nợ"

Huyền Anh 18/11/2021 07:43 GMT+7
Hoạt động phát hành trái phiếu sôi động là một trong những lý do giải mã cho việc các ngân hàng lãi lớn từ hoạt động chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm. Nhưng với nhiều trái phiếu doanh nghiệp "3 không" phát hành, ngân hàng coi chừng "bom nợ".

Ngân hàng "kiếm bẫm" từ chứng khoán đầu tư

Thống kê tại 26 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, 24/26 ngân hàng có lãi từ chứng khoán đầu tư.

Trong đó, lợi nhuận "khủng" nhất từ chứng khoán đầu tư là VPBank khi đạt hơn 2.366 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ.

Một trong "tứ mã ngân hàng" tư nhân hiện nay cũng ghi nhận khoản lãi từ chứng khoán đầu tư tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay là Techcombank.

Cụ thể, nhà băng này ghi nhận 1.472 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động chứng khoán đầu tư, tăng 48% so với cùng kỳ. Tại ngân hàng này, trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới 62,5% tổng giá trị đầu tư.

Tương tự, 9 tháng đầu năm TPBank ghi nhận 1.462 tỷ đồng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư, tăng 156% so với cùng kỳ và đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Đến cuối tháng 9/2021, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của TPBank đạt trên 53.800 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với đầu năm. Trong đó, 41% là trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác phát hành và gần 34% là trái phiếu Chính phủ, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng “kiễm bẫm” từ đầu tư trái phiếu, cẩn thận 'ngã đau' - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ đầu tư trái phiếu (Ảnh: LT)

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank – mã: BAB) với mức tăng trưởng về lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 307,9% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 124 tỷ đồng vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng (chiếm khoảng 7,2%).

Thậm chí như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - mã: LPB), nhà băng này ghi nhận sự khởi sắc trong mảng chứng khoán đầu tư khi đảo ngược từ vị thế lỗ 62 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2020 thành mức lãi thuần hơn 7 tỷ đồng trong năm nay.

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá..., trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Hay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB, chỉ trong quý gần nhất, mảng chứng khoán đầu tư đã mang về cho OCB khoản lãi hơn 463 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 78 tỷ đồng. Nếu không có khoản thu này, lợi nhuận quý III/2021 của OCB chỉ tăng trưởng ở mức một con số. Lũy kế 9 tháng, lãi từ chứng khoán đầu tư của OCB tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, đạt 1.222 tỷ đồng.

Tại MB, giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẵn sàng để bán chiếm 31% tổng giá trị của chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán. Các loại trái phiếu doanh nghiệp này có kỳ hạn từ 5 tháng đến hơn 15 năm với lãi suất từ 6,5-11,1%/năm.

Với trái phiếu doanh nghiệp giữ đến ngày đáo hạn, có kỳ hạn từ 3-10 năm, lãi suất cao hơn ở mức 8,7-10,5%/năm chiếm tới 67% tổng giá trị chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.

Trái phiếu doanh nghiệp "3 không", rủi ro chực chờ

Hoạt động phát hành trái phiếu sôi động là một trong những lý do giải mã cho việc các ngân hàng lãi lớn từ hoạt động chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm.

Thống kê của SSI cho thấy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 9 tháng đầu năm là 443,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (201,9 nghìn tỷ đồng – chiếm 45,5%).

Ngân hàng “kiễm bẫm” từ đầu tư trái phiếu, cẩn thận 'ngã đau' - Ảnh 3.

Nguồn: HNX, SSI tổng hợp.

Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Câu chuyện về "bom nợ Evergrande" xảy ra gần đây chính là hồi chuông cảnh báo cho những rủi ro "bong bóng" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi theo các chuyên gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu "ba không" là không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán.

Trong khi nhìn vào phân tích cơ cấu trái phiếu của một số ngân hàng như trên có thể thấy sự phân hóa trong đầu tư, thậm chí là nhiều ngân hàng vẫn đổ mạnh tiền vào trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thống kê của FiinGroup, các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư mua chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3%.

Ngân hàng “kiễm bẫm” từ đầu tư trái phiếu, cẩn thận 'ngã đau' - Ảnh 4.

Cảnh báo rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: Bizlive)

Các chuyên gia FiinGroup nhìn nhận, tín dụng bất động sản tại Việt Nam chưa ở mức "nóng" như Trung Quốc nhưng như chúng tôi đã chỉ ra, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành trái phiếu bất động sản Việt Nam cũng đang rất yếu trong khi chính các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán là các đơn vị mua chính trái phiếu này.

Trái phiếu doanh nghiệp đang là cách thức hợp lý để các ngân hàng và nhà đầu tư tổ chức có thể giúp tái cấu trúc kỳ hạn của tín dụng bất động sản và tài trợ vốn cho các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là lúc ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng về chu kỳ của ngành bất động sản và đưa ra các biện pháp hỗ trợ và tái cấu trúc tùy theo đặc thù của từng phân khúc cho vay cũng như đặc thù của từng chủ đầu tư, từng dự án.

"Đối với các khoản tín dụng mới, chúng tôi cho rằng, các định chế tài chính cần thận trọng trong việc lựa chọn các dự án và chủ đầu tư bất động sản để phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình", báo cáo đề cập.