Nhưng ít ai biết rằng “khô khoai” trong câu hát cũng chính là để nói về món… cá khoai phơi khô được ngư phủ mang theo dùng ăn vặt trong những chuyến đi biển dài ngày. Tháng 10 hàng năm, khi tiết trời vào độ chính thu mát mẻ đến mùa cá khoai. Ngư dân trong tỉnh lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi…
Ngoài 40 tuổi, anh Trần Văn Trọng, xóm 1, xã Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cũng đã có “ngót” gần 2 chục năm đi biển.
Giọng anh ào ào, át cả tiếng gió thổi: “Gia đình mấy đời đều là ngư phủ nên từ khi còn nhỏ tôi đã được theo ông rồi bố đi biển. Tôi đã “kế nghiệp” gia đình như một lẽ tự nhiên(!). Đối với tôi, đời ngư dân vất vả nhưng cũng có nhiều niềm vui, những thi vị riêng mà nếu không đi biển, gắn bó với biển hẳn nhiều người không thể tưởng tượng được”.
Gắn bó với biển, chọn biển làm kế “sinh nhai”, cách đây hơn chục năm, anh Trọng đã quyết định dồn hết vốn liếng để sắm tàu lớn vươn khơi xa. Hai chiếc tàu với 6 thuyền viên ra khơi hàng ngày, anh thường đánh bắt ở các vùng biển trong tỉnh và một số tỉnh ngoài.
Mùa nào thức nấy, tàu của anh cập bờ với những khoang thuyền đầy cá mối, mực, cua, cá khoai… Mùa vụ đánh bắt chính của cá khoai là từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho đến khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm; đặc biệt nhiều, “dội” vào khoảng tháng 4, tháng 5.
Vào mùa đánh bắt cá khoai, anh Trọng tranh thủ ngủ sớm và thức dậy vào lúc 1h30 sáng chuẩn bị nào “nước bò húc”, lương khô, mỳ tôm, ít bánh kẹo, cầm đèn pin rồi men theo đường làng ra biển. Cá khoai thường sống cách bờ từ 3-10 hải lý, ở độ sâu từ 20-60m.
Để đánh bắt cá khoai, anh Trọng cùng những ngư phủ chọn vùng nước êm và bắt đầu thả lưới. Trong lúc chờ lưới, họ tranh thủ trò chuyện, ăn uống nhẹ, ngắm biển đêm. Vào những đêm biển lặng, mặt biển rộng mênh mông được “hắt sáng” bởi hàng nghìn bóng điện từ các tàu đánh cá, câu mực…
Không khí lao động, đánh bắt trên biển về đêm cũng tấp nập, sôi động không kém ban ngày trên bờ. Cạnh tàu, từng đàn cá bị “hấp dẫn” bởi ánh điện sáng tung tăng bơi lượn. Theo anh Trọng, đánh bắt cá khoai không khó bởi đặc tính của cá thường đi theo đàn, theo luồng gần bờ, rất thuận cho ngư dân thả lưới.
Mỗi thuyền chỉ cần khoảng 2 người và có thể giăng lưới đánh bắt cá. Tuy vậy cá khoai cũng có nhược điểm khó bảo quản. Vì vậy, vào mùa cá khoai, đêm nào đi biển anh Trọng đều để sẵn trên tàu khá nhiều thùng đá lớn để bảo quản.
“Vì thân cá khoai rất mềm nên trong quá trình gỡ lưới, vận chuyển phải nhẹ nhàng, tránh để cá dập nát, vì khi cá bị dập nát sẽ rất dễ bị thương lái ép giá”, anh Trọng nói.
Thả lưới khoảng 3-4h, anh Trọng bắt đầu quay thuyền vào bờ để kịp phiên chợ sáng. Theo ước tính, sau một đêm đánh bắt, cả 2 thuyền được chừng 80kg - 1 tạ cá khoai, chưa kể cá, tôm các loại.
Toàn bộ hải sản được các thương lái thu mua ngay tại chân thuyền với giá dao động từ 100-120 nghìn đồng/kg cá khoai.
“Tôi nhẩm tính, như chuyến cá khoai hôm nay đã thu được trên dưới 20 triệu đồng. Đánh bắt gần bờ nên chi phí không nhiều lắm, có điều kiện bù lại công vất vả của anh em thợ thuyền”, anh Trọng vui vẻ chia sẻ.
Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm đi biển, cá khoai có 2 loại, đỏ và trắng, nhưng cá khoai trắng ngon hơn, trong đó cá khoai đánh bắt trên vùng biển Nghĩa Hưng ngon hơn so với một số vùng biển khác.
“Lý do đây là vùng cửa biển có rất nhiều tôm, các loại cá nhỏ là thức ăn yêu thích của cá khoai. Do có nguồn thức ăn dồi dào, nên cá khoai đánh bắt được ở vùng biển này thường mập mạp, chắc mẩy hơn”, anh Trọng khẳng định.
Cầm trên tay những bọc cá khoai tươi rói vừa mua, chị Đỗ Thị Nga, thương lái lâu năm ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) cho biết thêm: “Làm nghề buôn bán cá khoai đã trên 15 năm, “nhập” tương đối nhiều cá khoai từ các tỉnh, thành phố miền Bắc để bán khắp nước nhưng nhìn cá khoai ngư dân trong huyện đánh bắt được, tôi phát hiện ra ngay. Hình dáng, màu sắc cá tươi tắn hơn, con “múp” hơn...".
Chị Nga chia sẻ thêm: "Đặc biệt khi chế biến thành các món ăn có vị ngọt thanh, mềm. Cả nhà tôi ai cũng yêu thích các món ăn chế biến từ cá khoai. Do chất lượng cá tươi ngon nên người tiêu dùng đặc biệt yêu thích cá khoai được đánh bắt ở Nghĩa Hưng. Vì thế, cá chủ yếu được tiêu thụ trong huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định”.
Tìm hiểu về cá khoai, được biết cá khoai còn được một số vùng gọi là cá cháo do thịt cá mềm như cháo. Trước đây quãng vài chục năm, ngư dân đi biển thường không mặn mà với loại cá này vì thịt mềm và nhão rất khó chế biến.
Cá khoai do đó ít được ưa chuộng, chỉ là món ăn dành cho người nghèo. Giờ cá khoai là đặc sản, món ăn khoái khẩu của không ít người quê cũng như thị thành. Cá khoai được những người sành ăn chế biến thành nhiều món ngon, hấp dẫn, giàu giá trị dinh dưỡng như nấu canh chua, lẩu cá khoai, nấu cháo…
Bất kể với món ăn nào, vị thanh mát, ngọt của cá cũng không thể trộn lẫn. Đặc biệt là món ăn rất hợp cho chị em phụ nữ bởi trong thịt cá có chứa nhiều chất béo không no, đạm, chất xơ…, ăn nhiều không bị béo phì. Ngoài ra cá khoai cũng là vị thuốc giúp cho trẻ em có thể cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, hỗ trợ người cao tuổi điều trị tiểu đường, cao huyết áp…
Mùa cá khoai năm nay đến tương đối sớm nhưng do trùng với thời điểm bão gió nhiều nên việc đánh bắt cá khoai và hải sản của ngư dân có phần vất vả; đồng thời do dịch bệnh, vận chuyển khó khăn nên giá cá xuống khá thấp.
“Theo tôi, mùa cá khoai năm nay vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là giữ được sức khỏe, trời yên biển lặng để hàng đêm lại ra biển đánh cá. Đi biển, với ngư dân không đơn thuần là công việc kiếm sống mà còn là… niềm đam mê nữa”, giọng anh Trọng vẫn ào ào, át cả tiếng gió.