Khi tự mình trồng cây cảnh, bạn sẽ cảm thấy rất buồn khi chúng héo úa. Tuy nhiên, bạn đừng vội bỏ cuộc để cứu chúng. Bạn có thể vớt vát khả năng sống của cây bằng vài mẹo sau:
Bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi chuyển một cây sen đá ủ rũ sang một chậu mới. Đôi khi cây còi cọc và yếu ớt do chậu quá nhỏ, không đủ cung cấp dưỡng chất cho cây. Bạn nên chọn một cái chậu chứa cây cảnh mới có đường kính lớn hơn cái cũ khoảng 10-15 cm.
Sau khi trồng một thời gian, đất sẽ không còn màu mỡ. Bạn cần thay đất mới trộn thêm trấu, xơ dừa (cho đất tơi xốp), phân bò... Bạn lưu ý không cho quá nhiều phân bón, nhất là các loại phân hóa học, sẽ làm đất thoái hóa.
Cây cảnh để lâu trong nhà sẽ dễ bị vàng lá, chậm phát triển. Bởi vậy, bạn nên cho cây cảnh ra ngoài trời hoặc bệ cửa sổ. Bạn lưu ý, không để cây phơi nắng cả ngày mà cho cây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời dần dần.
Sự quá chăm chỉ của chủ vườn cũng có thể gây hại cho cây. Bạn cần tìm hiểu về loại cây của gia đình để tưới lượng nước phù hợp. Ngoài ra, bạn nhất thiết phải mua các loại chậu, bình có lỗ thoát nước, tránh úng ngập khi lỡ tưới quá nhiều hoặc trời mưa dài ngày.
Có rất nhiều loại sâu bệnh mà bạn khó nhận diện bởi chúng không xuất hiện trên lá, cành. Khi thấy cây yếu, lá ngả vàng, rụng... bạn cần tư vấn ngay những người làm vườn có kinh nghiệm. Bạn có thể tự chế thuốc diệt sâu bệnh từ rượu trắng pha với ớt, gừng, tỏi.
Một số cây cần nhiều độ ẩm hơn thông thường. Bởi vậy, không có gì lạ khi cây héo tàn khi sống trong phòng điều hòa hay để ngoài trời nóng bức. Bạn có thể cứu cây bằng cách dùng túi nilon chụp lên phần trên của cây trong vòng 4-5 ngày.