Dân Việt

Chuyên gia: ASEAN cần hợp tác với QUAD do có những mối quan tâm đồng nhất

V.N 20/11/2021 11:03 GMT+7
Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 13, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng ASEAN và Bộ Tứ QUAD có nhiều mối quan tâm đồng nhất, vì vậy ASEAN nên hợp tác với QUAD và thể chế hoá sự hợp tác này.

EU có thể đóng vai trò trong cấu trúc khu vực

Một chủ đề tại Hội thảo khoa học về Biển Đông lần thứ 13 là "ASEAN và Bộ Tứ QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) trong cấu trúc khu vực. Các học giả đã phân tích ASEAN và QUAD có thể cạnh tranh hoặc bổ sung cho nhau thế nào, ASEAN có thể và nên củng cố vai trò trung tâm thế nào trong khi nổi lên những mối đe doạ truyền thống và phi truyền thống ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của Đông Nam Á cũng như những cơ chế mới để đối phó với những mối đe doạ đó.

Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesman cho rằng khu vực Biển Đông ngày càng là điểm nóng và có nhiều mâu thuẫn, có sự gia tăng các lực lượng quân sự ở đây, có các hoạt động tranh chấp về nhiên liệu, năng lượng quan trọng trong phát triển kinh tế.

Chuyên gia: ASEAN cần hợp tác với QUAD do có những mối quan tâm đồng nhất - Ảnh 1.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh điều hành một phiên thảo luận của hội thảo.

Đại sứ khẳng định: "EU không ngả bên nào trong những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Biển Đông, nhưng ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS, tránh xung đột vũ trang, những phán quyết quốc tế cần được tôn trọng, phản đối hành vi cưỡng ép của bất kỳ quốc gia nào với quốc gia khác".  Ông nhắc lại lời kêu gọi các bên đàm phán để đi tới Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông COC.

EU và các bên khác có sự quan tâm nhất định đến khu vực vì hoà bình, thịnh vượng, vì EU có lợi ích ở đây. Ông Driesman cho biết, EU đã có 20 đối thoại thành công với ASEAN và tài trợ hàng trăm triệu euro cho các nước ASEAN. Từ 2018 EU là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và đến giờ vẫn là một trong những nhà đầu tư hàng đầu, 40% hoạt động thương mại bên ngoài của EU là với Đông Nam Á và qua khu vực Biển Đông. Vì thế có sự trùng nhau trong các mối quan tâm của EU với ASEAN ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo Đại sứ, với vị trí địa chính trị của mình, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong khu vực. Tôi tin tưởng chúng ta duy trì vị trí này. Cần định hình một cấu trúc khu vực đủ mạnh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có sự tham gia của ASEAN".

Theo Đại sứ Driesman, "là đối tác chiến lược của ASEAN, EU có thể đóng vai trò nhất định trong cấu trúc khu vực, tạo môi trường ổn định trong khu vực".  Vai trò EU có thể được thực hiện thông qua thể chế hoá các cơ chế hợp tác như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Ông bày tỏ sự quan tâm của EU với khu vực: "EU chưa là thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh đông Á nên hy vọng khi ASEAN xây dựng cơ chế hợp tác thì tính đến sự tham gia của EU".

Bộ Tứ không phải là liên minh quân sự

Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng Bộ Tứ QUAD không phải nhóm quân sự như NATO và ASEAN nên hợp tác với QUAD do có mối quan tâm đồng nhất.  Chuyên gia cao cấp Rizal Sukma từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Jakarta, Indonesia cho rằng, sự  đồng thuận và cách tiếp cận của ASEAN rất quan trọng trong những trật tự của thế giới mới nổi lên,  những căng thẳng, cạnh tranh của những siêu cường trên thế giới. 

Việc hình thành của nhóm Bộ Tứ, ông Rizal Sukma cho rằng, Bộ Tứ không phải chỉ là liên minh về quân sự mà còn nhiều lĩnh vực khác, vì thế ông đề xuất: "Hợp tác giữa ASEAN với Bộ Tứ cần thiết trong giải quyết các vấn đề phát triển và các thách thức với an ninh truyền thống và phi truyền thống".

Ông cũng cho rằng, ASEAN đứng giữa liên minh AUKUS và Trung Quốc, vì thế  ASEAN cần thận trọng không trở thành vùng đệm cho hai bên.

Ông hy vọng ASEAN sẽ có kế hoạch về các bước để hiện thực hoá tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, định hướng những gì ASEAN cần triển khai để hiện thực hoá việc lấy ASEAN làm trung tâm, triển khai cách tiếp cận thích hợp trong cấu trúc khu vực đang hình thành.

Giáo sư Carl Thayer từ Australia cũng cho rằng, Bộ Tứ đã thay đổi trọng tâm quan tâm từ an ninh truyền thống sang phi truyền thống như thiết lập các cơ chế bảo vệ an ninh biển, an ninh mạng, phòng chống Covid-19, hỗ trợ kinh tế, phát triển hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, chống thông tin sai lệch…

Giáo sư cho rằng ASEAN và sự quan tâm của Bộ Tứ đồng nhất với nhau, do vậy nên có sự hợp tác với nhau, cần có động thái để thể chế hoá sự hợp tác này.

"Bộ Tứ đã thể chế hoá, đang tiến triển và đã tham gia vào các cấu trúc an ninh khu vực" – ông nói. "Bộ Tứ đã xử lý các vấn đề ASEAN đang quan tâm. Họ làm thông qua một mạng lưới ngoại giao, là một diễn đàn có thể trao đổi các vấn đề chiến lược. Họ bổ sung vào các hợp tác khu vực, hợp tác song phương và đa phương với các thành viên".

Nhà nghiên cứu Rizal nhấn mạnh, bất kỳ cơ chế nào cũng phải lấy ASEAN làm trung tâm. Đến nay đã có các cơ chế ASEAN cộng 1,3, 6 đang triển khai tốt, qua đó xử lý nhiều vấn đề quan tâm chung. Ông cho rằng đề xuất của Giáo sư Carl Thayer về ASEAN+4 (nhóm Bộ Tứ) cũng rất phù hợp.