Là thân tín tin cậy bên cạnh vua quan, hậu phi, thái giám nhận được nhiều sủng ái của chủ tử.
Để có thể bước chân vào thứ "nghề" này, những người đàn ông lựa chọn con đường ấy sẽ phải trải qua quá trình tịnh thân đầy đau đớn và nguy hiểm. Thế nhưng, thực tế mà nói, tiền đồ của thái giám không hề đen tối mà trái lại vô cùng xán lạn mặc dù cuối đời cô độc.
Từ thời nhà Tần đến thời nhà Thanh, thái giám đã trở thành một tầng lớp không thể thiếu trong hoàng cung của các vương triều phong kiến Trung Hoa. Trên thực tế, thái giám chịu nhiều tủi hổ, chỉ khi lên quản sự hoặc tương bậc quan tam phẩm thì mới yên ổn hưởng vinh hoa bổng lộc.
Trong số đó, tiêu biểu phải kể tới đại thái giám đầu tiên xuất hiện vào thời nhà Tần là Triệu Cao. Triệu Cao chẳng những được Tần Thủy Hoàng tín nhiệm mà còn có thể chi phối cả Tần Nhị Thế.
Tương tự như vậy, một đại thái giám khác xuất hiện vào cuối thời nhà Minh là Ngụy Trung Hiền thậm chí còn được không ít người gọi là "Cửu Thiên Tuế", hay thái giám Lý Liên Anh khuynh đảo triều thần dưới thời Từ Hy Thái hậu.
Tuy nhiên, khoan nói đến chuyện tiến thân thần tốc, ngay cả khi không có cơ hội đứng ở vị thế cao thì những thái giám bình thường cũng có mức thu nhập được coi là ngưỡng mộ.
Ở triều đại nhà Thanh, thái giám được chia làm 20 bậc, càng có phẩm cao thì càng có nhiều quyền lợi. Thái giám chia làm 3 loại: Thái giám bình thường, thái giám thủ lĩnh và thái giám tổng quản.
Thái giám tổng quản lương tháng là 8 lượng bạc (khoảng 14 triệu) và 8 đấu gạo. Đối với thái giám thông thường thì con số này ở mức 2 lượng bạc (khoảng 3,5 triệu đồng) và 2 đấu gạo.
Thế nhưng sự thực là nguồn thu của các thái giám không chỉ dừng lại ở lương bổng công khai. Trên thực tế, họ còn được xem là cầu nối giữa vua – phi tử, bởi vậy hậu cung vô cùng "thoáng tay" khi muốn lấy lòng thái giám. Không ít phi tử sẵn sàng bỏ hầu bao đá quý, vàng thỏi, thậm chí ngọc ngà châu báu để "hối lộ" thái giám – con số này không thể đong đếm được.
Ngoài ra, khi hoàn thành nhiệm vụ mà chủ tử giao cho, những thái giám này sẽ còn có cơ hội được thưởng tiền hoặc ngọc bội quý giá.
Đặc biệt, thái giám còn được biết tới là người truyền tin của hoàng thượng đến với các đại thần. Vì vậy mỗi lần đi truyền thánh chỉ, tầng lớp này cũng sẽ có nguồn thu nhập không công khai nhưng vô cùng hậu hĩnh.
Các quan viên sau khi nhận thánh chỉ đều sẽ biếu thái giám tiền trà nước để duy trì mối quan hệ, dò hỏi thông tin hoặc nhờ họ nói đỡ dăm ba câu với nhà vua. Số tiền này có khi lên tới cả ngàn lượng bạc, hoặc ít thì cũng khoảng 40, 50 lượng.
Có thống kê chỉ ra rằng, chỉ tuyên đọc thánh chí, thái giám ngày xưa có thể thu về tới 200.000 NDT (khoảng 680 triệu đồng)!
Thái giám nếu khôn khéo bước đi trên con đường cung cấm hoàn toàn có thể kiếm được khối gia tài mà thường dân bách tính thời ấy cả đời cũng không dám mơ tới.
Do đó, mặc dù bị xem là tầng lớp nô bộc trong hoàng cung, thế nhưng các thái giám thời xưa cũng có không ít cơ hội để thu về tiền bạc, quyền lực, địa vị, hay thậm chí là còn đem lại vinh quang cho gia tộc của mình.