Lẻn vào mật thất của Hoà Thân, kẻ trộm chỉ biết than: Vào không dễ, ra lại càng khó hơn

Thứ năm, ngày 18/11/2021 14:33 PM (GMT+7)
Liều lĩnh vào mật thất của Hòa Thân, thậm chí tận mắt trông thấy khối tài sản kếch xù, nhưng kẻ trộm này đành phải ra về tay không.
Bình luận 0

Hòa Thân (1750 – 1799), tự Trí Trai, là một trong những trọng thần dưới triều Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh, Trung Hoa.

Khi bắt đầu làm quan, Hòa Thân đề cao sự liêm minh, thanh bạch, thậm chí còn từng vạch trần nhiều tham quan. Dù không tiến thân bằng công danh khoa bảng hoặc gia thế, nhưng nhờ tinh thông Tứ thư, Ngũ kinh cùng việc biết nhiều thứ tiếng nên Hoà Thân sau đó vẫn được thăng tiến và dần giữ các chức quan lớn trong triều như Đại học sĩ, Quân cơ đại thần…

Lẻn vào mật thất của Hoà Thân, kẻ trộm chỉ biết than: Vào không dễ, ra lại càng khó hơn - Ảnh 1.

Hoà Thân là trọng thần dưới triều Hoàng đế Càn Long. Ảnh: Sohu

Thế nhưng khi địa vị dần được củng cố, cùng với sự sủng ái của hoàng đế, Hòa Thân lại công khai việc nhận hối lộ, lợi dụng quyền lực và địa vị của mình để vơ vét của cải.

Chính bởi vậy, Hòa Thân được coi là một đại quan tham trong lịch sử Trung Quốc.

Khi Hoàng đế Gia Khánh ra lệnh tịch thu toàn bộ gia sản của Hòa Thân, bấy giờ mới thấy được "kho báu" khổng lồ của vị quan tham này.

Hoà Thân giàu cỡ nào?

Cụ thể, theo ghi chép trong "Thanh thực lục", số tài sản tham ô của Hòa Thân là 800 triệu đến 1,1 tỉ lượng bạc. Con số này thậm chí còn nhiều hơn tổng thu nhập trong 15 năm của quốc khố triều đình nhà Thanh.

Để cất trữ vàng bạc, châu báu, Hòa Thân đã xây dựng mật thất ngay trong nhà của mình, đây có lẽ là điều ít ai ngờ tới. Tuy nhiên, có câu "nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất".

Sở hữu trong tay núi vàng, núi bạc, làm thế nào để chống trộm? Đây không phải là một vấn đề khó khăn với Hoà Thân, bởi không những ông có giải pháp chống trộm đạt tới cảnh giới mà ít ai ngờ được, mà còn khiến cho tiền đẻ ra tiền.

Lẻn vào mật thất của Hoà Thân, kẻ trộm chỉ biết than: Vào không dễ, ra lại càng khó hơn - Ảnh 2.

Hoà Thân sở hữu một khối tài sản kếch xù gồm nhiều vàng bạc, châu báu, đất đai, nhà cửa... Ảnh: Sohu

Các phủ thời xưa thường được chia ra thành phòng chính và hai dãy Đông, Tây. Tuy nhiên, chỉ tính riêng dãy phòng chính trong phủ của Hoà Thân đã có 730 gian, dãy nhà phía Đông có 360 gian, phía Tây có 350 gian và hơn 700 gian phòng phụ khác.

Ngoài ra, Hoà Thân còn được biết tới là một đại địa chủ khi sở hữu 8.000 mẫu đất ruộng, 10 cửa hàng vàng bạc và 10 cửa tiệm cầm đồ. Tất cả đều là bất động sản.

Sử dụng tiền bạc để quy đổi ra bất động sản, đây có thể được xem là một cách chống trộm và quản lý tài chính tốt nhất lúc bấy giờ. Kẻ trộm cho dù có lấy được giấy tờ đất đai hay khế ước của các cửa hàng thì cũng vô dụng vì nếu có mang đi cầm cố thì cũng sẽ bị quan phủ bắt lại.

Ngoài việc sở hữu khối bất động sản hùng hậu, Hoà Thân còn là một người vô cùng khôn ngoan khi chủ động đầu tư vào những mối làm ăn có thể sinh lời.

Do có quyền lực và chức tước làm chỗ dựa, Hoà Thân mạnh tay rót tiền đầu tư vào những ngành nghề như kim hoàn, cầm đồ, tiệm thuốc, buôn bán đồ cổ… Thậm chí, ông còn có nhiều thương vụ làm ăn với những thương gia nước ngoài và một vài mỏ khai thác khác, đem lại lợi nhuận không hề nhỏ.

Diệu kế chống trộm khiến kẻ trộm trắng tay ra về

Đương nhiên là số tài sản này không thể quy đổi hết ra bất động sản. Vậy, với số vàng bạc, châu báu khổng lồ này, Hoà Thân phải dùng cách gì để chống trộm?

Lẻn vào mật thất của Hoà Thân, kẻ trộm chỉ biết than: Vào không dễ, ra lại càng khó hơn - Ảnh 3.

Việc đúc bạc thành những khối lớn như quả bí đao khiến kẻ trộm không thể mang ra ngoài. Ảnh minh họa trong phim.

Ngoài việc chiêu mộ không ít cao thủ làm thị vệ, để bảo vệ an toàn cho khối tài sản của mình, Hoà Thân đã nghĩ ra nhiều biện pháp đỉnh cao, đến nỗi dù kẻ trộm có may mắn lẻn vào mật thất thì cũng đành tay trắng ra về. Một trong những diệu kế mà vị quan này sử dụng chính là nung chảy các nén bạc trắng thông thường và sau đó luyện thành những đĩnh bạc lớn hoặc đúc thành những khối bạc có hình quả bí đao.

Diệu kế này khiến cho dù kẻ trộm có vào được mật thất thì cũng không thể vác những khối bạc lớn, càng khó hơn khi mang ra ngoài để tiêu.

Tương truyền, từng có một kẻ trộm liều lĩnh, tránh được tai mắt của đám thị vệ, lẻn được vào mật thất của Hoà Thân. Dù tận mắt chứng kiến số vàng bạc khổng lồ nhưng tên trộm này chỉ đành bất lực ra về tay không. Đúng là vào đã khó, mang ra còn khó hơn. Trong mật thất cũng có rất nhiều bức thư pháp, đồ cổ nhưng do thiếu hiểu biết nên tên trộm tưởng rằng chúng không có giá trị. Kết quả, sau cùng chọn cách rời khỏi phủ Hoà Thân mà không lấy được thứ gì.

Cả đời ra sức bảo vệ khối tài sản khổng lồ khỏi kẻ trộm, nhưng cuối cùng Hoà Thân lại không thể bảo toàn chúng trước quyền lực của Hoàng đế.

Theo đó, sau khi Càn Long qua đời không được bao lâu, Hoàng đế Gia Khánh đã vạch tội và cho tịch thu toàn bộ tài sản của Hoà Thân. Khối gia sản lớn hơn cả tổng thu của quốc khố nhà Thanh trong 15 năm đã rơi vào tay Hoàng đế Gia Khánh. Có lẽ vì vậy người ta mới có câu "Hoà Thân té ngã, Gia Khánh ăn no".

Gia Khánh ban đầu muốn xử lăng trì Hoà thân nhưng Thập công chúa (khi đó là con dâu của Hoà Thân) đã căn ngăn và xin hoàng đế ban cho ông ta được chết toàn thây. Hoà Thân sau đó đã chấm dứt cuộc đời ở tuổi 49.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem