Miếu Ông Cọp đáp ứng đời sống tâm linh, song đây không phải là nơi để những người mê tín dị đoan tìm đến cầu số đánh đề.
Miếu ông Cọp nằm ở lưng chừng dốc Vườn Xoài (thuộc khu phố Bình Thạnh). Đỉnh mái miếu là hai con rồng chầu trời, bên trong miếu được tu sửa lại từ năm 1990 có bàn thờ chính ở giữa và bàn thờ phụ hai bên.
Từ miếu, nhìn về phía tây là núi Mỹ Dự, phía đông là cửa biển mênh mông. Bên tay phải miếu, sát hốc núi còn có một bàn thờ bằng đá xưa. Trên tảng đá thờ hai ông Cọp Bạch.
Theo anh Trần Văn Tủy (48 tuổi, ngụ khu phố Bình Thạnh, người trông coi miếu), một ông Cọp được thờ từ xa xưa, nằm sát núi, qua thời gian đã đậm màu rêu phong. Ông Cọp còn lại nằm ở phía ngoài, mới được tạc từ công sức và tiền của thiện nguyện của người dân. Trông rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều yếu tố truyền thuyết dân gian và đậm chất nhân văn.
Cụ Nguyễn Thu (88 tuổi, lão làng ở khu phố Bình Thạnh) kể, thời ấy xa xưa, núi Mỹ Dự nổi tiếng với nhiều đàn cọp hung dữ, ban đêm thường xuống làng để ăn thịt người.
Tương truyền, ông Cọp Bạch được xem là dữ dằn nhất. Ông Cọp Bạch đã có trên 10 cọp con nhưng nhận thấy chưa người con nào có thể thay mình cai trị vùng đất lắm cọp beo này nên quyết định sinh nở thêm một người con nữa.
Ngày bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không sinh được, ông Cọp Bạch đang trên đường mưu sinh thì hay tin bà Cọp đau bụng đẻ kêu cứu. Thương bà Cọp nhưng ông Cọp không biết phải xoay chuyển thế nào. Trên đường về hang, ông Cọp nảy sinh ý định bắt bà mụ về đỡ đẻ cho bà Cọp.
Chứng kiến cảnh ông Cọp Bạch hùng hổ vào làng bắt người, dân làng vô cùng bức xúc nhưng chỉ biết nín lặng mà khấn vái để mong sao bà mụ được an toàn.
Trước móng vuốt của ông Cọp, bà mụ tỏ ra hoảng sợ. Nhưng khi nhìn thấy bà Cọp quặn đau, bà mụ không thể làm ngơ nên ra tay đỡ đẻ.
Ngay khi cọp con ra đời khỏe mạnh, bà Cọp Bạch qua cơn nguy kịch, bà mụ lập tức được ông Cọp Bạch đưa về tận nhà.
Người dân trong làng hiếu kỳ kéo nhau đến xem thân thể bà mụ có vết cào xé nào không. Thật may mắn, tất cả không như nhiều người lo nghĩ. Đêm hôm sau, ông Cọp Bạch mang đến trước sân nhà bà mụ một con heo rừng to để tạ ơn.
Để tránh những lời gièm pha “bà mụ đỡ đẻ cho bà Cọp Bạch” và thay đổi công việc mưu sinh, không lâu sau, bà mụ chuyển về sống ở làng biển Phú Hạnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Một thời sau, bà mụ mất vì bệnh già. Sau đó, người dân lập mộ để tưởng nhớ công ơn bà mụ, bởi khi còn sống, bà đỡ đẻ cho người dân nhưng không lấy bất cứ một khoản thù lao nào.
Vào tháng chạp hàng năm, người dân lại thấy những dấu chân của ông Cọp Bạch từ hang núi tìm đến mộ bà mụ. Cứ đúng vào đêm trước ngày tảo mộ bà là xuất hiện những vết cào cấu vào cỏ. Người dân khẳng định, ông Cọp Bạch đã về tảo mộ bà mụ.
Một thời gian dài sau, người dân thấy ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ trầm buồn, ít lâu sau thì chết. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân cứu giúp bà Cọp sinh con, người dân rủ nhau lên núi đào đá, xếp thành miếu ông Cọp để tôn thờ.
Theo anh Tủy, ngoài truyền thuyết như cụ Thu kể, còn một truyền thuyết khác. Người nắm rõ truyền thuyết này là cha anh – cụ Trần Xuân Xanh (78 tuổi, ngụ khu phố Bình Thạnh).
Theo cụ Xanh, thuở trước, ở khu vực này có một gia đình ngư dân hiếm muộn. Sau bao năm tháng nguyện cầu, cuối cùng người vợ cũng hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh. Lúc ấy, vợ chồng ông ngư dân đã ngoài tuổi tứ tuần. Sau hơn một tuần suy nghĩ, họ đặt tên cho con là An để cầu mong mọi điều an lành đến với gia đình.
Thời ấy, trong làng có một pháp sư giỏi phán rằng An sinh trúng vào giờ xấu nên số phận của cậu bé không thể thoát khỏi cọp beo. Nghe vị pháp sư phán chắc nịch như thế nên khi An lớn lên, vợ chồng lão ngư đã đi tìm thầy cho con học võ để phòng thân khi gặp cọp dữ.
Vốn hoạt bát, thông minh, An đã học rất nhanh các thế võ do thầy truyền lại và tự mình nghĩ ra nhiều thế võ hiểm hóc khác khiến thầy cũng phải nể phục. Khi trở thành một thanh niên thực thụ, An bắt đầu cuộc sống tự lập, thường xuyên đi làm ăn xa.
Một lần đi làm về, An bị một đàn cọp trên 10 con chặn đường. Nhờ những thế võ độc chiêu, An đã đánh gục đàn cọp hung tợn đang chực chờ ăn thịt mình. Nghe tin An hạ được đàn cọp nổi tiếng hung hăng, người dân trong làng hết mực tôn sùng và kéo nhau đến học võ để phòng thân.
Ông Cọp Bạch cũng đến hỏi xin để đưa đàn cọp con đến học. Và điều kiện được thỏa thuận giữa An và ông Cọp Bạch là ông Cọp Bạch không để đồng loại hại dân làng.
Thời gian ấy, hai bên thực hiện đúng theo lời cam kết. Ngoài giờ học ở nhà An, các cọp con của ông Cọp Bạch được cha dạy học đạo, không hà hiếp dân lành. Anh An cũng đã truyền lại cho lớp học trò những gì mình có được từ các thế võ.
Cảm kích tấm lòng thành của anh An, ông Cọp Bạch dùng hai chân trước nắm chặt tay An nhưng vô tình tay anh bị móng vuốt cào xước nhẹ. Không may vết xước nhẹ lại làm độc. Không còn cách cứu chữa, anh An đã chết chỉ vài ngày sau tai nạn hy hữu ấy.
Mộ anh An được gia đình chôn cất ngay dưới chân núi. Hay tin anh An mất, hàng đêm ông Cọp Bạch từ hang xuống núi nằm cạnh mộ anh. Ông Cọp Bạch buồn vì mình đã gây ra chuyện không hay. Ông bỏ ăn và chết. Miếu ông Cọp được người dân lập nên từ ngày ấy.
“Ngôi mộ anh An vẫn còn nằm ở phía sau miếu Ông Cọp. Ngôi mộ là một tấm bia đá đã ngả màu rêu phong. Sở dĩ người dân không xây mới, làm lớn hơn vì trước ngày mất, anh An có đề nghị cha mẹ xây mộ đơn giản. Người đời sau cũng làm theo ước nguyện của người đã khuất”, cụ Xanh cho biết.
“Đi tu thì số đề ở đâu mà có”
Theo cụ Xanh, trước khi miếu ông Cọp hình thành, ở Bình Thạnh có miếu văn và miếu võ. Miếu văn sau đó di dời về xã An Thạch (huyện Tuy An), còn miếu võ được đưa về nhập chung với miếu ông Cọp hiện nay.
Từ bao đời nay, nhiều thế hệ thay nhau trông coi và cúng tế miếu ông Cọp vào những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là hai lễ cúng lớn vào dịp tiết thanh minh tháng 3 với lễ vật đồ chay và tiết lập thu tháng 8 với lễ vật heo, gà.
Lão làng đứng ra tế lễ, rồi cùng bà con mang chiếc thuyền ghép bằng bẹ chuối thả xuống sông Bình Bá ở đây để tống tiễn những điều xấu và cầu mong phúc đức, tốt lành cho người dân trong làng.
Nhiều năm qua, biết miếu ông Cọp linh thiêng, nhiều người mê cờ bạc, lô đề tìm đến tổ chức cầu số. Trong số nhiều người đến cầu, ai nấy cũng nghe được câu nói truyền thuyết của ông Cọp: “Xưa tao ăn thịt người mà giờ phải đi tu thì số đề ở đâu mà có”.
“Miếu ông Cọp rất linh hiển, đáp ứng đời sống tâm linh, song đây không phải là nơi để những người mê tín dị đoan tìm đến cầu số đánh đề. Đây không phải là nơi bát nháo cho những hoang tưởng cầu may rủi”, anh Tủy cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng đất Sông Cầu hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo trong tiến trình mở đất của cha ông. Bảo tàng Phú Yên đã tiến hành sưu tầm, thống kê các di sản trên địa bàn; riêng các miếu cổ thờ cọp cũng có ở một số nơi nhưng tiêu biểu nhất là miếu ông Cọp tại Bình Thạnh.
Sự xuất hiện miếu ông Cọp ở đây, cộng với sử sách ghi lại, cho thấy vùng đất này ngày xưa có rất nhiều cọp. Những người mở đất đã phải dày công dụng sức cho cuộc chiến đấu và chung sống với thiên nhiên “rừng thiêng, nước độc” để trụ vững và duy trì cuộc sống trên đất trấn biên.