Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22-25/11/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi ông nhậm chức mới đây.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao.
Riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam.
Trong 10 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 2,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,4% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Nhật Bản).
Có thể thấy, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.
Hiện, Nhật Bản đang nhập khẩu lượng khá lớn thủy sản, cà phê, đồ gỗ của Việt Nam.
Chỉ tính riêng mặt hàng thủy sản, 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đạt 129.060 tấn, trị giá 953,8 triệu USD.
Tôm các loại và cá đông lạnh là 2 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Nhật Bản, trong đó, xuất khẩu tôm các loại đạt 44.500 tấn, trị giá 408,7 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản giảm do dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam, nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm.
Xuất khẩu cá đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 42.500 tấn, trị giá 307,3 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu một số mặt hàng sang Nhật Bản có mức tăng trưởng khá như surimi tăng 27,7% về lượng và tăng 29,7% về trị giá; cá khô tăng 28,5% về lượng và tăng 29% về trị giá; mắm tăng 32,6% về lượng và tăng 16,5% về trị giá; chả giò tăng 39,9% về lượng và tăng 25,1% về trị giá… so với cùng kỳ năm 2020.
Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 123 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ, thị phần tăng 14,48%.
Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn sang Nhật Bản trong 9 tháng năm 2021 cũng tăng 24,1%, đạt 97 triệu USD.
Ngoài đồ gỗ, Nhật Bản cũng nhập khẩu nhiều viên nén của Việt Nam.
Cuối năm 2019, Nhật Bản chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Mới đây, ngày 7/10/2021, phía Nhật Bản đã chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận.
Điều này cho thấy, Nhật Bản luôn có nhu cầu rất cao với các loại nông sản, trong đó có trái cây của Việt Nam.
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho thấy, ngay đầu vụ thu hoạch vải thiều năm 2021, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản và số lượng cả vụ có thể đạt 800 - 1.000 tấn.
Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản lại yêu cầu rất cao về chất lượng an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, khách hàng Nhật Bản rất khó tính, yêu cầu với nông sản rất cao.
"Trong một lần xuất khẩu sầu riêng sang Nhật Bản, do trên sản phẩm còn rệp mà công ty chúng tôi mất tới 8 triệu đồng để xử lý mỗi con rệp. Đây là bài học lớn nhất của Ameii tại thị trường Nhật Bản để sau đó không con rệp nào còn sót lại trên những quả sầu riêng của Ameii nữa" - ông Tiến nói.
Ameii cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa vải thiều sang Nhật Bản trong vụ vải 2021.
Để đáp ứng yêu cầu Nhật Bản, Ameii đã lập một cơ sở khử khuẩn bằng Methyl bromide riêng tại Hải Dương với công suất vào khoảng 2,5 tấn/mẻ, mỗi ngày có thể làm đến 3-4 mẻ.
Tính đến đầu tháng 6, công ty đã đưa được gần 50 tấn vải đi Nhật Bản và hợp đồng đã ký giữa 2 bên cho vụ vải năm 2021 là 300 tấn.
Trong kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Bộ NNPTNT, thị trường Nhật Bản cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Hiện, ngành chức năng đã và đang phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản và các thị trường.