Khoảng 20h đêm 23/11, người dân lưu thông qua đường Tô Ngọc Vân, quận 12 phát hiện ngọn lửa bùng cháy dữ dội phát ra từ một nhà xưởng. Cột khói bốc cao hàng chục mét, lan rộng sang những khu vực lân cận gây nguy hiểm cho những người sống xung quanh.
Ngay sau đó, người dân hô hoán để cùng dập lửa và gọi cứu hoả. Do bên trong xưởng chứa nhiều vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa mỗi lúc một nghi ngút, sáng rực cả một khoảng trời.
Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC-Cứu nạn cứu hộ Công an quận 12 nhanh chóng có mặt ở hiện trường. Đến hơn 22, đám cháy vẫn chưa được dập tắt. Hỏa hoạn đã thiêu rụi cả ngàn mét vuông, khiến nhà xưởng đổ sập.
Đây không phải là vụ cháy hiếm hoi bởi thời gian qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng ở nhiều loại hình cơ sở khác nhác nhau. Hầu hết đều là cháy lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng, tình hình an ninh trật tự xã hội vì thế cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, điều này cũng khiến tâm lý của người dân hết sức hoang mang và lo lắng.
Trước đấy không lâu, ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu cho thuê kinh doanh giày dép trên đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú cũng bị bốc cháy sau tiếng nổ lớn. Do ngôi nhà chứa nhiều vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa đã nhanh chóng bao trùm phía nhà xưởng.
Phải mất 20 phút, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mới khống chế được ngọn lửa. Toàn bộ ngôi nhà với diện tích 140m2 bị thiêu rụi hoàn toàn và 1 người tử vong do ngạt khói làm suy hô hấp cấp.
Theo ông Huỳnh Anh Tân (ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) - người phát hiện cháy đầu tiên, diễn biến vụ cháy rất nhanh, lửa lan nhanh quá nên cố gắng dùng bình chữa cháy lao vào để xịt nhưng không thành công.
Khi người dân chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy tại quận Tân Phú làm 1 người thiệt mạng, thì ngày 5/10, tại Công ty TNHH Thạnh Đức (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) lại xảy ra cháy lớn thiêu rụi 2 xe nâng, 3 xe tải 2,5 tấn; 3.000 lít dung môi cồn sát khuẩn, 500m2 nhà xưởng.
Vụ cháy này xảy ra vào ban đêm, phát ra nhiều tiếng nổ lớn, nhiệt độ cao, ngọn lửa cháy lan dữ dội gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Dù Công an thành phố đã điều động 20 xe chữa cháy các loại, cùng 112 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường triển khai chữa cháy nhưng phải sau hơn 2 giờ triển khai, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Thiếu tá Lê Tấn Châu – Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, là người trực tiếp chỉ huy tại các vụ cháy lớn trong thời gian qua - cho biết: Từ những vụ cháy trên cho thấy, nguyên nhân gây ra cháy có thể khác nhau, nhưng đều để lại những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
Các vụ cháy xảy ra đều có tính chất nguy hiểm, liên quan đến hóa chất, dung môi, cồn sát khuẩn và đều xảy ra ở loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hoặc sản xuất kinh doanh xen cài trong khu dân cư, khiến cho công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Dù khi nhận tin, chúng tôi lập tức đến ngay hiện trường, triển khai lực lượng nhanh chóng nhưng thiệt hại để lại luôn là điều chúng tôi trăn trở.
Thực tế, việc tận dụng nhà mặt phố để vừa ở, vừa sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; vì diện tích nhỏ, tận dụng để chất hàng hóa làm bít hết các lối thoát nạn. Bên cạnh đó, việc trang bị các phương tiện thô sơ như bình chữa cháy xách tay là có, tuy nhiên việc bảo dưỡng theo định kỳ chưa được thực hiện nghiêm túc, việc sử dụng các thiết bị này chưa được người dân quan tâm.
Do đó, khi xảy ra cháy nổ, họ lúng túng không biết xử lý, dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, dẫn đến cháy lan cháy lớn, gây thiệt thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ. Thế nhưng liệu họ có chịu thay đổi cách suy nghĩ, cách sinh hoạt để hạn chế những nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn quanh mình.
"Để có câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi tìm đến khu phố kinh doanh ở quận 1, 11, 3 để khảo sát. Khi được hỏi, hầu hết người dân đều hiểu và nhận thức được việc tận dụng nhà ở để kinh doanh đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nhưng vì mưu sinh, họ đành chấp nhận đổi sự an nguy của mình.
Biện pháp tốt nhất trong công tác phòng chống "giặc lửa" là không để xảy ra cháy. Đã chấp nhận và sống chung với những nguy cơ tiềm ẩn, thì người dân cần phải quan tâm hơn nữa về công tác phòng cháy, chữa cháy; không gì bằng thay đổi nhận thức, hành vi.
Muốn làm được điều này, việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ là yêu cầu tiên quyết và mỗi người dân đều phải có trách nhiệm thực hiện" - Thiếu tá Lê Tấn Châu nói.