Thương Tín sinh năm 1956 tại Phan Rang, trong một gia đình có 9 người con. Đam mê nghệ thuật cải lương từ nhỏ, năm mới 13 tuổi, Thương Tín đã bỏ nhà trốn theo một gánh cải lương chỉ để được vào vai "không cần thoại" theo đoàn hát lưu diễn ở khắp nơi.
Tại đoàn Kim Cương, Thương Tín được đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương và nhanh chóng trở nên nổi tiếng bằng những vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả như: "Bông hồng cài áo", "Vực thẳm chiều cao", "Huyền thoại mẹ"… Nghệ sĩ Thương Tín đã diễn tổng cộng trên 100 vai kịch và hai phần ba số đó là vai chính, vai kép độc.
Chưa dừng lại ở đó, Thương Tín bắt đầu tham gia đóng phim và nhanh chóng được nhiều khán giả biết đến. Ông vốn là một nghệ sĩ đào hoa nên đã có nhiều cuộc tình với không ít nữ nghệ sĩ.
Ngoài cuộc sống riêng tư ồn ào, không thể phủ nhận nghệ sĩ Thương Tín từng là "át chủ bài" của làng phim ảnh, kịch nghệ miền Nam những năm 80 - 90. Nhắc đến ông không thể không nhắc đến những vai diễn ấn tượng như: vai Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn" hay thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong "Ván bài lật ngửa", tướng cướp Bạch Hải Đường lỳ lợm trong "Săn bắt cướp"…
Nhắc đến Thương Tín, người hâm mộ không thể không nhắc đến vai thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong phim "Ván bài lật ngửa". Đây là bộ phim đen trắng về đề tài tình báo do Xí nghiệp phim tổng hợp TP.HCM sản xuất, Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) đạo diễn dựa theo kịch bản của Nguyễn Trương Thiên Lý (nhà văn Trần Bạch Đằng).
Phim khởi chiếu từ năm 1982 đến 1987 gồm 8 tập. Trong phim, Thương Tín vào vai thiếu tá Vọng chỉ xuất hiện trong 2 tập 5, 6 ("Trời xanh qua kẽ lá" và "Lời cảnh cáo cuối cùng").
Để lột tả hết cái chất lưu manh, xảo quyệt, nham hiểm của nhân vật sĩ quan công an chế độ cũ Lưu Kỳ Vọng có lẽ khó có diễn viên nào làm tốt hơn Thương Tín.
Nam nghệ sĩ ghi dấu trong lòng khán giả từ ánh mắt, cái nhếch mép đểu giả. Bộ mặt trâng tráo, ngang ngược ấy lại "vẽ" rất đạt chân dung một thiếu tá như Lưu Kỳ Vọng. Tuy ít đất diễn nhưng nghệ sĩ Thương Tín đã khiến khán giả khó quên khi vào vai nhân vật bộc lộ bản chất ác độc mà ông đảm nhận.
Nguyên mẫu của vai Sáu Tâm do Thương Tín đảm nhận là ông Bảy Bê, đội trưởng đội 5 biệt động Sài Gòn. Thời đó, Bảy Bê nổi tiếng với những chiến công rúng động khắp miền Nam và cả thế giới như đánh bom khách sạn Caravelle, tòa Đại sứ Mỹ, cư xá Brink. Xuất hiện từ những phần đầu phim, Sáu Tâm hiện lên đúng chất người lính biệt động Sài Gòn gan dạ, mạnh mẽ, quyết đoán.
Trong kịch bản lần đầu của Biệt động Sài Gòn, nhân vật Sáu Tâm vẫn sống đến hết phim. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đạo diễn Long Vân quyết định để nhân vật này chết, hơn nữa là chết do sự phản bội của đồng đội. Sự ra đi của Sáu Tâm khiến khán giả cảm nhận rõ hơn tính khốc liệt của cuộc chiến.
Chân thật đến mức, chính ông Sáu Tâm - người chiến sĩ biệt động năm xưa cũng phải thừa nhận rằng, Thương Tín đã cố gắng hết sức để vào vai Sáu Tâm một cách sinh động nhất. Tất cả những hiểm nguy mà ông vượt qua trong cuộc đời người chiến sĩ biệt động đều là những khoảnh khắc khó lặp lại trong đời thường.
Nói về vai diễn để đời này, nghệ sĩ Thương Tín từng chia sẻ: "Kỳ lạ là khi vào vai Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn" tôi đóng tưng tửng, lơ là nhất nhưng tiếng vang lại quá lớn. Cuộc đời làm phim cũng có cái lạ lùng, nhiều vai tôi tâm đắc, dồn tâm trí vào lại không được biết đến nhiều, trong khi nhân vật Sáu Tâm yêu cô bán cháo vịt Ngọc Lan (Thúy An) cứ được khán giả nhắc mãi.
Tôi nhớ năm "Biệt động Sài Gòn" chiếu lần đầu ở Hà Nội, 6 rạp phim lớn nhất Thủ đô đều đông kịt người, chen lấn đến nỗi cửa rạp bị đạp vỡ cả. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy điện ảnh có uy đến thế".
"Ngũ quái Sài Gòn" là một bộ phim gắn liền với giới trẻ đầu thập niên 2000 bởi tình tiết phá án hấp dẫn. Xuất hiện bên cạnh dàn diễn viên trẻ trong "Ngũ quái Sài Gòn" vào những năm 2000 nhưng Thương Tín không hề bị "lép vế" mà ngược lại, phong độ và lối diễn chân thật từ ánh mắt đến cử chỉ của ông vẫn đủ sức thuyết phục người xem.
Ông vào vai "già gân" tên Thái Trượng Phu. Đặc biệt là ở mỗi phi vụ, nhân vật phản diện đều vô cùng độc đáo và có những chiêu trò rất riêng và Thái Trượng Phu là một trong số đó. Vai diễn này đã giúp cái tên Thương Tín đến gần hơn với nhóm khán giả nhí và cho thấy sự linh hoạt trong nét diễn của ông.
Phim "Săn bắt cướp" của đạo diễn Trần Phương được sản xuất năm 1988, từng "làm mưa làm gió" màn ảnh Việt ở cuối thập niên 1980. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ như: Thương Tín, Trọng Trinh, Lê Khanh, Hai Nhất, Hương Dung…
Trong đó, vai diễn tướng cướp Bạch Hải Đường do diễn viên Thương Tín đóng vẫn là một trong những vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của nam diễn viên tài năng này. Hình ảnh khán giả chen nhau mua vé khiến cả đoàn phim cũng như đạo diễn bất ngờ vì không ai nghĩ phim có thể thu hút nhiều khán giả đến như vậy.
Nói về vai diễn, nghệ sĩ Thương Tín từng chia sẻ: "Khi đảm nhận vai Bạch Hải Đường tôi phải tìm hiểu nhiều thông tin về nhân vật có một không hai này. Tôi từng đến phòng giam của Bạch Hải Đường và thấy nguyên một dãy nhà dành cho những tù nhân xếp vào hàng tử tội.
Nói thật buổi đó khiến tôi ám ảnh vô cùng vì khi vào phòng giam mùi bốc lên không thể tưởng tượng được, âm khí vô cùng đáng sợ. Thấy tôi thốt lên: "Chịu không nổi", anh quản giáo đi chung vừa cười vừa giải thích: "Bọn em đã quét dọn suốt ba ngày, thậm chí xịt dầu thơm rồi nhưng cái mùi vẫn không thể… đi xa". Diễn viên Thương Tín thuật lại ký ức lần tham quan thực tế nhớ đời.