Đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối năm các lò mật mía trên địa bàn huyện Thạch Thành lại “đỏ lửa” cho ra những mẻ mật thơm ngon phục vụ bà con Nhân dân đón tết. Mật mía nơi đây từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, màu sắc đẹp.
Tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành - một trong những xã có số lượng lò mật nhiều và người dân làm nghề mật mía truyền thống lâu đời. Toàn xã có 15 thôn, khu phố, trong đó ở thôn Yên Phú, Yên Khánh, Thanh Giang, Khu 4 có số hộ gắn bó với nghề mật mía nhiều nhất xã.
Gia đình ông Trần Đình Thuật ở Khu 4 là một trong những hộ có truyền thống lâu năm làm nghề mật mía.
Mỗi năm gia đình ông Thuật cho ra lò 50 tấn mật. Mía nguyên liệu thời điểm hiện tại 970.000 đồng/tấn. Mỗi ngày gia đình ông ép 4 tấn mía. Một tấn mía nguyên liệu cho ra 1,4 tạ mật. Giá mật tại các lò hiện nay là 9.000 đồng/kg. Đây cũng là nghề chính của gia đình ông, đồng thời tạo việc làm cho 5-7 lao động thời vụ. Mật mía gia đình ông chủ yếu nhập cho khách quen, nhiều nhất ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An
.Theo ông Thuật, bí quyết để mật mía ngọt và đạt sản lượng, mía phải bắt được gió heo may, trời càng lạnh thì mía càng đặc, có thể để hàng năm không hỏng mà còn ngọt hơn.
Để cho ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, quá trình nấu mật kéo dài khoảng 6 - 8 tiếng để tránh bị đóng đường. Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và phức tạp nhất. Người nấu phải đảo liên tục và đều tay.
Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào thì sẽ có màu đen và kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển qua sền sệt và có màu nâu vàng, việc nấu mật mới hoàn tất. Sau khi để nguội, nước mật được lọc lại một lần nữa rồi cho vào dụng cụ chứa đựng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình Nguyễn Đình Hoàng cho biết: Toàn xã có 162 ha mía nguyên liệu, trong đó có 100 ha mía nguyên liệu nhập cho nhà máy đường, còn lại mía nước phục vụ cho các lò nấu mật mía. Hiện nay toàn xã có 19 lò mật đã bắt đầu hoạt động. Bình quân 1 ha mía nước cho sản lượng 70 tấn mía. Mỗi năm bình quân, toàn xã ước đạt 200 tấn mật. Hoạt động của các lò nấu mật mía cũng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
“Nhằm kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh tại các lò mật, các hộ làm mật mía ký cam kết trong phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mật mía Thạch Bình đang hướng tới tiêu chuẩn VietGap”, ông Nguyễn Đình Hoàng nói.
Mật mía được nhiều người yêu thích, sử dụng trong chế biến món ăn hằng ngày như làm bánh, nấu kẹo, nấu chè,… mật mía có thể được sử dụng thay cho đường tinh luyện.